F0 rót tiền vào chứng khoán, ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn

Hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức 'khủng' để tiếp tục câu chuyện tăng vốn trong năm nay, trong bối cảnh cổ phiếu ngành ngân hàng đang diễn tiến thuận lợi dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp.

 Ngân hàng gặp nhiều thuận lợi khi tăng vốn nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng gặp nhiều thuận lợi khi tăng vốn nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp tục dùng cổ phiếu để tăng vốn

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đưa ra mức chi trả cổ tức khá ấn tượng nếu nhìn vào con số. Chẳng hạn, ACB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Cổ đông SHB dự kiến nhận cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5% nhưng đồng thời cũng nhận mức 10% cho năm 2019.

Tài liệu đại hội cổ đông của MSB cũng cho biết ngân hàng này dự kiến chia cổ tức năm 2020 lên tới tỷ lệ 30%, trong khi đại hội cổ đông năm ngoái đã thông qua con số kế hoạch 10% và không chia cổ tức trong năm 2019. Ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM vào cuối năm ngoái, cũng dự kiến tăng vốn thêm 30% trong năm nay.

Đáng chú ý là trường hợp BIDV, ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông thường niên trong năm nay, đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Các kỳ chi trả trước đó, ngân hàng quốc doanh này đều chia tiền mặt. Vào đầu tháng 2 vừa qua, BIDV đã hoàn tất trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2019 với tỷ lệ 8%.

Trên thực tế, sử dụng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ tiếp tục là phương án tối ưu mà nhiều ngân hàng thương mại sử dụng trong thời gian qua. Sau khi hoàn tất chia cổ phiếu, dự kiến vốn điều lệ ngân hàng ACB tăng lên 25%, vốn điều lệ SHB tăng 21%. BIDV cũng đưa dự kiến phát hành thêm 341 triệu cổ phần (tỷ lệ khoảng 8,5% tính ở thời điểm cuối năm 2020) để tăng vốn.

Một trường hợp điển hình khác là Ngân hàng Quốc tế (VIB), dự kiến tăng vốn từ phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự kiến hoàn thành trước thời điểm cuối quí 3. Đây là năm thứ hai VIB trình phương án không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn.

Sau chia cổ phiếu thưởng, ngân hàng này còn muốn phát hành thêm gần 46,6 triệu cổ phiếu (phát hành riêng lẻ hoặc công chúng) để tăng vốn. Trước đó, cuối quí 4 năm ngoái, VIB hoàn tất tăng vốn từ 9.245 tỉ đồng lên 11.094 tỉ đồng, cũng từ phương án chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% từ nguồn chủ sở hữu.

Dự kiến vốn điều lệ của VIB trong năm nay tăng từ mức gần 11.094 tỉ đồng lên gần 16.000 tỉ đồng. Con số này được ngân hàng đánh giá là đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Một lãnh đạo nhà băng quy mô nhỏ cho biết lý do chia cổ tức tỷ lệ cao một phần nhờ lợi nhuận năm 2020 báo cáo tốt hơn dự kiến, nhưng dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến các ngân hàng vẫn ở trong tâm thế “phòng thủ”. Dù vậy, ngân hàng buộc phải tăng vốn để đảm bảo năng lực tài chính cho giai đoạn tăng trưởng mới.

Trên thực tế, trong năm ngoái cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để đảm bảo có đủ nguồn lực để ứng phó với hệ lụy của đại dịch. Dù vậy, thách thức tăng vốn vẫn hiện hữu ở các ngân hàng, không chỉ để đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tăng nguồn vốn cho các hoạt động tín dụng và đầu tư các dự án chiến lược trong giai đoạn mới.

 BIDV bắt đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Ảnh: DNCC.

BIDV bắt đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Ảnh: DNCC.

Áp lực tăng vốn

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, áp lực tăng vốn vẫn còn hiện hữu đáng kể. Như trường hợp của BIDV, sau khi đẩy mạnh tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, hệ số CAR của BID giảm xuống 8,34% vào cuối năm 2020. “Áp lực tăng vốn đang quay trở lại với nhiều ngân hàng. Việc tăng vốn là rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai”, Công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Trước đó, các ngân hàng quốc doanh cũng đã có hành lang pháp lý để tăng vốn nhờ Nghị định 121. Vietinbank cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2017-2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 28,79%, nhờ đó giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Sử dụng cổ phiếu để tăng vốn là một công cụ đặc biệt của ngân hàng trong vài năm gần đây, khi thị trường chứng khoán nhìn chung tăng trưởng tích cực nhờ vào dòng tiền của các “F0”, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Trong năm 2020, chỉ số chứng khoán ngành ngân hàng tăng 27,6% so với đầu năm và tăng 73,9% so với mức đáy vào tháng 3, tăng cao hơn so với VNIndex lần lượt là 13% và 6%.

Sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán thậm chí còn liên tục được cổ xúy bởi nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Trên thực tế, các nhà băng có tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu cao để tăng vốn đều có bước nhảy vọt về giá cổ phiếu. Điển hình là trường hợp của SHB, thị giá cổ phiếu ngân hàng này trong năm ngoái có thời điểm đã tăng mạnh đến gấp 3 lần, sau khi ngân hàng này hoàn tất tăng vốn từ phương án phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu.

Tương tự, một trường hợp mới đây là Ngân hàng NCB đưa ra kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu, tương đương 36,87% vốn điều lệ. Thị giá cổ phiếu NVB của ngân hàng này đã tăng khoảng 70% so với hồi đầu năm.

Theo công bố từ các nhà băng, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo Thông tư 41, để thực hiện các trụ cột an toàn theo Basel II. Thêm nữa, nguồn vốn mới được nhiều nhà băng cho biết sẽ đầu tư vào các dự án nâng cấp “nội lực” cho ngân hàng.

Trên thực tế, việc tăng vốn không phải là chuyện mới. Thống kê của Vietstock cho thấy tính đến cuối năm ngoái, có 13 trên 28 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ so với hồi đầu năm. Trong đó HDBank (tăng đến 65% vốn điều lệ, lên mức 16.088 tỉ đồng) cũng dựa vào phương án trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/314669/f0-rot-tien-vao-chung-khoan-ngan-hang-day-manh-tang-von.html