F1 Việt Nam dừng vô thời hạn, đua xe trong nước đi về đâu?
Đua xe thể thao Việt Nam đang phát triển theo 2 hướng chính là đua thực tế và đua giả lập. Hai hướng này đều có những ưu điểm riêng để thu hút người chơi.
Ngày 28/3, chặng đua đầu tiên của mùa F1 2021 ghi dấu chiến thắng của Lewis Hamilton. Người ta đã không còn nhắc tới chặng đua F1 tại Việt Nam nữa.
Đã có nhiều người háo hức khi Việt Nam lần đầu tiên trở thành địa điểm tổ chức một chặng đấu F1 vào tháng 4/2020 tại Hà Nội. Tuy nhiên sự kiện này đã bị hủy vì dịch Covid-19.
Với việc tạm dừng vô thời hạn của F1 tại Việt Nam, phong trào đua xe trong nước cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy những tín đồ "máu pha xăng" đã và đang làm gì để duy trì sự cuồng nhiệt dành cho đua xe thể thao?
Lên mạng đua xe online
Tại Việt Nam, đua xe điện tử chưa thật sự phổ biến do chi phí đầu tư cao hơn các trò chơi điện tử khác. Để tiếp cận đua xe điện tử chuyên nghiệp, người chơi cần trang bị dàn máy tính cấu hình tầm trung trở lên cùng các trang bị cơ bản như vô lăng hay bàn đạp ga/phanh có giá bán thấp nhất từ 5-10 triệu đồng.
Bộ môn này đã xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2012, tay đua Nguyễn Lê Văn từng giành được huy chương tại các giải đấu như Asia Indoor Game hay World Cyber Game.
Sau sự kiện giải đua F1 có kế hoạch tổ chức ở Việt Nam vào tháng 4/2020, phong trào đua xe điện tử trong nước dần có những chuyển biến tích cực trở lại, trong đó có sự xuất hiện của câu lạc bộ SUM (Saigon United Motorsports).
Câu lạc bộ SUM tập trung mạnh vào mảng đua xe điện tử, bên cạnh đó là tham gia các giải đua thực tế về Go-Kart hay Auto Gymkhana. Trong năm 2020, câu lạc bộ đã có đại diện tham gia các giải đấu đua xe điện tử ở khu vực như Porsche APAC Forza Motorsport Championship, SRO World Challenge Asia E-Sport.
Cuối tháng 3, SUM đã giới thiệu đội tuyển tham dự giải đua xe điện tử E1 Championship và Endunesia 2021. Có tổng cộng 5 tay đua được cử đi thi đấu.
Các tay đua của SUM sẽ tham gia giải đua Endunesia 2021 ở thể thức đua sức bền 6 giờ, trong khi giải E1 Championship sẽ tranh tài ở nội dung đua Sprint. Hai giải đua này đều không thuộc giải đấu của Liên đoàn Ôtô Quốc tế FIA.
Để tham gia thi đấu ở E1 Championship và Endunesia 2021, SUM đã trang bị cho mỗi tay đua một bộ đua mô phỏng trị giá khoảng 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, câu lạc bộ này cũng bỏ ra số tiền gần 100 triệu đồng để đóng phí tham dự.
Đại diện của SUM cho biết khá tự tin về mặt kỹ thuật cũng như dàn trang bị thi đấu cho tay đua. Tuy nhiên mặt bằng chung của tay đua trong nước vẫn kém hơn các đối thủ trong khu vực về mặt trình độ lẫn tâm lý khi thi đấu.
Anh Nguyễn Thế Hiển, tổng thư ký SUM, cho biết câu lạc bộ hiện tập trung mạnh vào mảng thể thao điện tử hơn các chương trình đua xe thực tế vì những lợi thế như chi phí đầu tư thấp, dễ tiếp cận và có nhiều giải đấu được tổ chức. Mục tiêu SUM hướng đến là cử đại diện tham dự giải FIA Motorsport Games 2021 ở hạng mục Digital.
Chơi Go-Kart - mơ về F1
Giống như đua xe điện tử, Go-Kart không phải là bộ môn đua xe quá mới mẻ với người Việt. Dù chỉ mang vóc dáng của những chiếc xe đồ chơi, xe Go-Kart lại là bộ môn mà bất kỳ tay đua F1 nào cũng phải trải qua tập luyện và thi đấu khi còn nhỏ.
Nói về đua xe Go-Kart đúng nghĩa, sân đua Đại Nam (Bình Dương) hiện là điểm đến quen thuộc của các tay đua Go-Kart ở khu vực miền Nam, trong khi ở miền Bắc chỉ có một vài sân đua nhỏ ở vùng ven Hà Nội.
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết đội đua Go-Kart phong trào và bán chuyên trong nước không sở hữu xe Go-Kart riêng, thay vào đó là thuê xe trước và trong mùa giải để tập luyện và thi đấu. Đây là một bất lợi lớn để phát triển phong trào đua Go-Kart ở nước ta.
TrippleX Karting được xem là đội đua Go-Kart chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam thuộc VMA (Hiệp hội Thể thao xe động cơ Việt Nam - thành viên Liên đoàn Ôtô Quốc tế FIA). Đội đua này từng cử đại diện tham gia các giải đua Go-Kart tổ chức ở Thái Lan, Đài Loan...
Hai tay đua Hoàng Nam và Đức Minh của TrippleX Karting vinh dự là 2 người Việt Nam nhận bằng đua xe quốc tế CIK-C Junior ở bộ môn Go-Kart. Với tấm bằng trên tay, 2 tay đua này có thể tham dự các giải đua Go-Kart của FIA tổ chức, đây được xem là bệ phóng để tiến tới giải đua F1.
Để nhập môn bộ môn đua xe tốc độ này, khách hàng có thể trải nghiệm thử xe đua Go-Kart 4 thì với mức phí khoảng 700.000 đồng/10 phút tại sân đua Đại Nam. Nếu muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, số tiền cần bỏ ra ít nhất là vài trăm triệu đồng cho xe đua, giáp bảo hộ...
Phát triển đua xe Motorkhana
Trong bối cảnh nhiều sự kiện đua xe bị hoãn, Redline Motorsports là câu lạc bộ hiếm hoi vẫn tổ chức đều đặn các giải đua nội bộ trong năm 2020.
Được thành lập vào tháng 5/2020, Redline theo đuổi việc tuyển chọn và huấn luyện các tay đua theo đúng chuẩn quốc tế, tổ chức các giải đua nhỏ với định dạng đua xe Auto Gymkhana (Motorkhana), vốn là mô hình dễ tiếp cận với số đông người sở hữu ôtô.
Cuối tháng 3/2021, câu lạc bộ này ra mắt tại TP.HCM với mục tiêu thúc đẩy motorsport tại khu vực phía nam. Trước đó, khu vực phía nam đã có các nhóm tự tập đua xe, nhưng chưa là thành viên của VMA. Redline Motorsports thuộc VMA sẽ có thể cấp bằng cho các thành viên đủ trình độ, qua đó tham dự các giải đua xe do VMA hoặc các thành viên của VMA tổ chức.
Redline Motorsports sẽ tổ chức 7 giải đua tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2021, đều là định dạng Motorkhana. Câu lạc bộ này cũng có các buổi tập về drift hay đua xe trong trường đua, nhưng Motorkhana đang được tập trung nhiều nhất.
Anh Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Redline Motorsports chia sẻ mong muốn sẽ có nhiều câu lạc bộ đua xe thể thao trên cả nước, để tăng sức cạnh tranh và cùng nhau thúc đẩy phong trào đua xe tiến nhanh hơn.
Mở học viện hướng dẫn đua xe
Bên cạnh các câu lạc bộ phát triển bộ môn đua xe như SUM hay RedLine Motorsport, Việt Nam hiện cũng có các học viện đào tạo đua xe như Vietnam Racing Academy (VR). Học viện này được ra mắt vào cuối năm 2020, đứng đầu VR là nhóm các doanh nhân yêu thích bộ môn đua xe thể thao.
Học viện này hướng tới tổ chức các chương trình đào tạo đua xe cho những người có xe, có điều kiện và yêu thích môn thể thao này. Người tham dự sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật đua xe và thực hành tại trường đua, có thể sử dụng xe cá nhân hoặc xe do VR cung cấp.
VR đã giới thiệu khá nhiều sự kiện thi đấu, biểu diễn liên quan tới đua xe. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19, các chương trình của VR hiện vẫn chưa được tổ chức.
Đại diện VR cho biết đang chuẩn bị hết sức để sự kiện đua xe có thể diễn ra vào ngày 1/5 tới.
Tìm kiếm tay đua Việt ra quốc tế như thế nào?
Mục tiêu của các tay đua luôn là muốn vươn ra biển lớn, chạy trên các đường đua trên thế giới với những tay đua quốc tế. Vài năm trước, điều này gần như là không thể.
Chỉ VMA mới có thể đại diện Việt Nam cấp bằng đua xe quốc tế cho một tay đua người Việt, đại diện Việt Nam đua xe trên thế giới thuộc hệ thống của FIA.
Sự tồn tại của chặng đua F1 tại Việt Nam, dù chưa được tổ chức, đã giúp VMA hình thành và mở ra cơ hội cho các tay đua có thể vươn ra quốc tế.
Theo anh Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Redline Motorsports, với những người đam mê đua xe, việc đầu tiên có thể làm là tham gia một trong những câu lạc bộ thuộc VMA, tham gia tập luyện một cách bài bản và nghiêm túc.
Sau khi đạt được trình độ nhất định và tham gia các giải đua, thành viên sẽ được cấp bằng đua xe ở cấp câu lạc bộ, từ đó có thể tham gia các giải quy mô quốc gia và nhận được bằng đua xe quốc tế do VMA cấp, từ đó đại diện cho Việt Nam tham dự các giải đua trên thế giới.
Đua xe tất nhiên là một môn thể thao không chỉ cần đam mê, mà chi phí bỏ ra để theo đuổi đam mê này cũng không hề nhỏ. "Kỹ năng được nâng cấp trong quá trình luyện tập bài bàn sẽ giúp chi phí giảm đi rất nhiều", anh Vinh chia sẻ.