F88 'mượn' vai những người khổng lồ bước ra ánh sáng
Nhờ đâu F88 đã liên tục nhận được những cái gật đầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như ngân hàng MB, CIMB, Thế Giới Di Động?
Mượn vai người khổng lồ
Những ngày cuối năm 2024, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam lần đầu ghi nhận hợp tác "có một không hai", khi 850 cửa hàng tài chính của F88 trở thành những phòng giao dịch ngân hàng MB.
Ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch MB gọi đây là một sự kết hợp mang tính đột phá, khi phía nhà băng này có thể mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Trong khi đó, F88 chính thức "bước ra ánh sáng", thay vì mô hình chuỗi cầm đồ.
Từ đây, khách hàng không chỉ có một lựa chọn là ra ngân hàng giao dịch, mà có thể tới F88 để thực hiện nhiều dịch vụ tài chính khác như: nộp/rút tiền mặt, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, chuyển tiền, thanh toán các lệnh chi, nhờ thu, chi hộ...
Xa hơn, MBBank và F88 dự kiến triển khai nhiều giải pháp tài chính tiện ích như: tích hợp các hình thức thanh toán kỹ thuật số, dịch vụ tín dụng và cho vay linh hoạt, hệ thống thanh toán tự động cho các dịch vụ ngân hàng...
F88 là được chọn bởi chuỗi dịch vụ tài chính này sở hữu lợi thế quy mô, khi có mặt tại những vùng khó khăn, nơi chưa có hoặc khó tiếp cận với dịch vụ tài chính truyền thống như ngân hàng.
Hành trình của F88 chưa dừng lại ở đó, khi xuất hiện thông tin chuỗi tài chính này sẽ còn "mượn vai" người khổng lồ khác là một doanh nghiệp trong mảng logistics với mạng lưới hơn 10.000 điểm giao dịch tại Việt Nam.

F88 từng bước mở rộng quy mô thông qua hợp tác với các gã khổng lồ. Ảnh: VH
Theo nguồn tin thân cận, hai bên đã có những ký kết ban đầu và đang thử nghiệm triển khai ở giai đoạn một. Trước mắt, F88 sẽ có cơ hội được quảng bá thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tài chính tại hơn 10.000 điểm giao dịch của đối tác.
Có nghĩa, quy mô nhận diện của F88 sẽ tăng gấp 12 lần so với hiện tại, trong khi doanh nghiệp không cần bỏ ra thêm các chi phí để mở mới các phòng giao dịch.
Đặc biệt, mục tiêu xa hơn là F88 có thể dễ dàng mở rộng và tiếp cận đối tượng khách hàng bình dân - chủ yếu là khách hàng của đối tác logistics.
Thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên F88 áp dụng chiến lược "mượn vai" những người khổng lồ như ngân hàng MB hay doanh nghiệp logistics. Cuối năm 2021, F88 từng bắt tay với Thế Giới Di Động mở quầy dịch vụ cho vay tiêu dùng bên trong mỗi điểm bán hàng của chuỗi bán lẻ.
Mặc dù quy mô điểm bán của Thế Giới Di Động khi đó khó so sánh với một doanh nghiệp logistics sở hữu 10.000 điểm giao dịch, nhưng có thể thấy đội ngũ F88 đã sớm tìm ra những phương thức hợp tác, tận dụng được thế mạnh của các đối tác lớn, để đi vào từng ngóc ngách của thị trường tài chính tiêu dùng.
Hay như cách đây ba năm, F88 và ngân hàng CIMB đã cùng nhau đưa ra thị trường một sản phẩm tín dụng, mà ở đó người tiêu dùng chỉ cần đến phòng giao dịch F88 cũng có thể vay tại CIMB, thay vì ra trực tiếp ngân hàng. Đến nay, lãnh đạo F88 tin rằng, đây vẫn là một sản phẩm rất thành công.
Vị thế mới của F88
Không chỉ cho thấy sự nhanh nhạy trong các chiến lược hợp tác cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, F88 còn giành được sự tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
FiinRatings vừa qua đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của F88 từ "ổn định" lên "thuận lợi", nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh, nguồn vốn, thanh khoản, chất lượng tài sản và khả năng quản trị rủi ro.
"Chúng tôi đánh giá nguồn vốn và thanh khoản của F88 có sự cải thiện nhất định, nhờ công ty đã thành công tiếp tục đa dạng nguồn huy động vốn từ các đối tác trong và ngoài nước, cùng với kế hoạch tăng vốn điều lệ trong 2026 và sự cải thiện đáng kể cho chi phí huy động vốn bình quân", FiinRatings thông báo.
FiinRatings đánh giá cao về vị thế dẫn đầu trong ngành cho vay thay thế của F88, với mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2026, cũng là một yếu tố quan trọng khiến tổ chức này nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của F88.
Cụ thể, năm 2024, F88 ghi nhận mức tăng trưởng dư nợ cho vay lên đến 22,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân ngành tài chính tiêu dùng là 3,84%. F88 cũng đa dạng hóa nguồn doanh thu, trong đó doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 11,8%, đóng góp 9,5% tổng doanh thu.
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 1,7 lần, thấp hơn mức trung vị của các công ty tài chính tiêu dùng là 4,6 lần.
Về khả năng sinh lời, F88 đạt lợi nhuận 351,5 tỷ đồng, cùng với việc giảm mạnh chi phí hoạt động (CIR). Các chỉ số tài chính quan trọng như NIM, ROE và ROA đều được cải thiện đáng kể, vượt trội so với năm 2023 và cao hơn mức trung bình ngành.
"Theo dự phóng của chúng tôi, F88 sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao ở mức 500-700 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2026 nhờ chiến lược mở rộng cho vay và quản lý chi phí hiệu quả", FiinRatings đưa ra nhận định.
Để đạt được hiệu quả hoạt động cao như trên, F88 đã duy trì một chính sách quản trị rủi ro nghiêm ngặt được công ty xếp hạng tín nhiệm nhận xét là "có sự cải thiện đáng kể về khả năng quản trị và xử lý nợ xấu".
Phía FiinRatings cho biết thêm rằng, F88 đã giữ được chất lượng tài sản ổn định, nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về khả năng trả nợ của khách hàng, cũng như đến từ việc quản trị, thắt chặt khẩu vị rủi ro trong kinh doanh và phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận.
Tỷ lệ thu hồi nợ cũng phục hồi rõ rệt, đạt 41,7% so với mức 15,6% năm 2023. Điều này hỗ trợ củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh của F88.
"Chúng tôi kì vọng F88 sẽ tiếp tục cải thiện được khả năng thu hồi nợ và cải thiện tổn thất tín dụng cũng như tiếp tục duy trì thận trọng các chính sách phân loại, trích lập và xử lý nợ xấu. Nhờ đó, chi phí tín dụng/dư nợ bình quân có thể giảm xuống mức 19% vào năm 2026", FiinRatings cho hay.