Facebook đổi thuật toán khiến lượt truy cập website giảm mạnh
Không được báo trước, các nhà xuất bản phụ thuộc vào lượt truy cập Facebook không kịp xoay xở và đành phó mặc cho thuật toán khó hiểu.
Một thay đổi thuật toán Facebook trong tháng 5 đã khiến lượt truy cập website báo chí, truyền thông giảm mạnh, theo dữ liệu của công ty quản trị mạng xã hội Echobox. Đây là thay đổi đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp tin tức, nơi các nhà xuất bản không có nhiều lựa chọn ngoài phụ thuộc vào “người gác cổng” lớn nhất là Facebook.
Nhà xuất bản cần sự minh bạch nhưng cũng như những thay đổi khác trước đây, họ cho biết Meta không hề thông báo trước. Theo nguồn tin của Gizmodo, nó bắt nguồn từ tháng 2 và tồi tệ hơn trong các tháng tiếp theo. Robert Chappell, Tổng biên tập trang tin phi lợi nhuận Madison 365, tiết lộ Facebook đóng góp 25% lưu lượng truy cập website. Tuy nhiên, “bạn không bao giờ biết được điều gì sẽ thay đổi, vì thế rất khó lên kế hoạch cho tương lai”, ông thừa nhận.
Lượt truy cập từ Facebook đã giảm khoảng một năm nay nhưng giảm mạnh và nhanh trong tháng 5, theo Echobox, đơn vị thu thập dữ liệu từ hơn 2.000 nhà xuất bản toàn cầu. Các khách hàng của Echobox ghi nhận lượt truy cập từ Facebook giảm khoảng 50% từ mùa hè 2022.
Antoine Amann, CEO Echobox, nhận định dù không biết rõ nguyên nhân gốc rễ, Facebook thể hiện rõ họ sẽ giảm ưu tiên tin tức và tập trung vào nội dung video. Các nhà xuất bản đặc biệt gặp khó khăn khi phải phụ thuộc vào bên thứ ba. Kết quả hoạt động và doanh thu của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những thay đổi thuật toán mà họ không có quyền kiểm soát.
Theo một nhân viên tại trang tin thể thao – văn hóa có hàng triệu người theo dõi trên Facebook, họ nhận thấy lượt truy cập sụt giảm từ tháng 2. Ban đầu, họ cho rằng bản thân phạm lỗi nhưng theo thời gian, các tờ đối thủ cũng gặp chuyện tương tự.
Hỗn loạn bất ngờ trong lưu lượng truy cập từ mạng xã hội là một phần nguyên nhân khiến các công ty truyền thông như Vice Media hay BuzzFeed News sụp đổ. Nicholas Carlson, Tổng biên tập trang tin Insider, chỉ ra quan hệ gián đoạn với Facebook là một trong những “cơn gió chướng” dẫn đến lượt truy cập giảm. Ông cho biết lượt truy cập, theo dõi, lượt xem video đều giảm.
Facebook không xa lạ với các thay đổi có vẻ “mờ ám”. Vụ việc lớn nhất là vào năm 2015 khi công ty xoay trục sang video và làm giả số liệu về sự phổ biến của nội dung video trên nền tảng để thuyết phục các nhà xuất bản sản xuất nhiều video hơn. Nó khiến các nhà xuất bản đổ xô đầu tư vào sản xuất nội dung video dù thực tế người dùng không hề xem chúng.
“Nội dung của chúng tôi mang đến nhiều giá trị cho Facebook, chúng tôi là một phần của hệ sinh thái từ khi họ ra mắt Facebook Page hơn một thập kỷ trước. Song, là một doanh nghiệp nhỏ, dường như Facebook không hề tôn trọng chúng tôi”, nhân viên tờ báo thể thao – văn hóa nói.
Theo Chappell, vấn đề trầm trọng hơn là hiệu suất của nội dung thay đổi đáng kể dựa trên chủ đề. Nó đồng nghĩa Meta không chỉ quyết định người dùng có đọc nhiều tin tức hay không mà còn quyết định cả thể loại tin tức xuất hiện trên bảng tin. Chẳng hạn, nội dung gây tranh cãi hay liên quan đến chính sách sẽ bị “dìm”, còn tin tức vui vẻ lại có vị trí cao hơn.
Bài viết số một trong tháng 5 của Madison 365 là về một hiệu trưởng trường trung học, tiếp cận 120.000 người dùng. Trong khi đó, bài viết về tuyên bố chính sách của Chủ tịch quốc hội Đảng cộng hòa tại Đại học Wisconsin chỉ tiếp cận chưa tới 1.000 người. Những con số này hoàn toàn khác biệt khi đưa lên các nền tảng khác và trên chính website của Madison 365.
Sự phụ thuộc của ngành truyền thông số vào Facebook chỉ có tính chất một chiều. Tháng trước, Meta dọa chặn chia sẻ tin tức trên Facebook và Instagram tại California nhằm phản đối dự luật buộc các nền tảng công nghệ trả tiền cho tin tức báo chí. Dù chưa thực hiện hành vi này, Meta có thể đã đàn áp theo những cách tinh vi hơn. Một nhân viên Facebook giấu tên tiết lộ Meta không chỉ chặn tin tức mà còn cả các trang của bệnh viện, cứu hỏa tại Australia năm 2021 vì nước này đưa ra dự luật giống với California.
Meta phủ nhận cáo buộc.
Các nhân viên truyền thông nhấn mạnh Meta là doanh nghiệp tư nhân và có thể tự do thay đổi, không nợ ai lưu lượng hay doanh thu. Tuy nhiên, các nhà xuất bản cho rằng ít nhất họ nên được thông báo. Nếu biết được những gì sẽ xảy ra, họ sẽ có điều chỉnh chiến lược. “Chúng tôi đầu tư thời gian và công sức nhưng không thể liên lạc với ai. Cuối cùng, họ là một ông lớn, còn chúng tôi chỉ là một trang tin địa phương nhỏ nhoi”, Chappell, Tổng biên tập Madison 365 chia sẻ.
(Theo Gizmodo)