Facebook dùng sức mạnh độc quyền để tìm, diệt đối thủ cạnh tranh
Đây là khẳng định trong bản điều tra về độc quyền của Quốc hội Mỹ đối với các gã khổng lồ công nghệ.
Sau hơn một năm điều tra, Ủy ban Chống độc quyền của Hạ viện Mỹ đã hoàn thành và công bố báo cáo về độc quyền đối với 4 gã khổng lồ công nghệ gồm Apple, Amazon, Facebook và Google.
Trong bản báo cáo này, Facebook được nhận xét là đã sử dụng sức mạnh độc quyền để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, cũng như gây các ảnh hưởng tới xã hội từ nội dung thù địch, độc hại và tin giả.
"Sức mạnh độc quyền của Facebook rất vững chắc và khó có thể bị xóa bỏ từ sự cạnh tranh của các công ty trên thị trường", những nhà điều tra nhận xét. Bản báo cáo lưu ý Facebook đã sử dụng các công cụ của mình như công ty phân tích dữ liệu Onavo để tìm kiếm "những cảnh báo sớm nhất", là các app đang phổ biến trên các chợ ứng dụng.
Cách Facebook "mua để giết"
Để mô tả hành vi "mua để giết" các đối thủ của Facebook, báo cáo này trích dẫn đoạn nói chuyện giữa CEO Facebook Mark Zuckerberg và Giám đốc tài chính của công ty này về việc mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.
"Một cách nhìn về vụ này là chúng ta đang bỏ tiền để mua thời gian. Kẻ cả khi có những kẻ cạnh tranh mới, mua Instagram sẽ cho chúng ta khoảng một năm hoặc hơn để tích hợp những điểm mạnh trước khi bất kỳ ai có thể đạt tới quy mô của Instagram", báo cáo này trích lời CEO Mark Zuckerberg.
Trong cuộc nói chuyện giữa Mark Zuckerberg và nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom, CEO Facebook được cho là đã đe dọa Instagram sẽ "phải nhận hậu quả" nếu như từ chối lời đề nghị của Facebook.
"Sẽ có lúc anh nhận ra rằng anh thực sự muốn làm việc với chúng tôi. Đó có thể là một vụ mua bán, hoặc tích hợp sâu qua Open Graph, sử dụng API của chúng tôi, hoặc cũng có thể là không hợp tác gì cả. Tất nhiên là trong lúc đó, chúng tôi cũng sẽ phát triển chiến lược về ảnh riêng của mình, nên cách chúng ta hợp tác bây giờ sẽ ảnh hưởng tới việc chúng ta sẽ là đối tác hay đối thủ trong tương lai", CEO Facebook nói với đối thủ tiềm năng lúc đó.
Báo cáo cũng trích dẫn những cuộc hội thoại tương tự giữa Mark Zuckerberg và các quản lý cấp dưới khi nói về WhatsApp, ứng dụng nhắn tin mà Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD năm 2014. CEO Facebook cho rằng công ty này vẫn có cơ hội để phát triển ứng dụng nhắn tin với số lượng người dùng khổng lồ, nhưng "cơ hội đó sẽ không tồn tại mãi mãi". Mark Zuckerberg nhận xét Facebook sẽ chỉ có chưa tới một năm trước khi phải cạnh tranh trực tiếp với WhatsApp.
Sự độc quyền về dữ liệu của Facebook
Với quy mô người dùng các dịch vụ lên tới hơn 3 tỷ, Facebook sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng, nhiều hơn bất kỳ mạng xã hội cạnh tranh nào khác.
Việc sở hữu lượng dữ liệu quá lớn có tác dụng kép đối với Facebook. Càng có nhiều dữ liệu, Facebook càng có thể tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa hơn với người dùng, qua đó lôi kéo thêm người dùng mới và khiến người dùng cũ gắn bó hơn với dịch vụ của họ.
"Lợi thế về dữ liệu của Facebook do vậy ngày càng tăng lên theo thời gian, giúp vị thế số một của họ trên thị trường càng vững chắc hơn và khiến các nền tảng mới gặp khó hơn để đưa ra trải nghiệm người dùng tương tự", báo cáo này cho biết.
Thậm chí, sự cạnh tranh giữa các dịch vụ của Facebook còn lớn hơn sức cạnh tranh từ những dịch vụ bên ngoài. Instagram là một ví dụ. Dịch vụ chia sẻ hình ảnh này đã tăng trưởng quá nhanh, khiến Mark Zuckerberg lo ngại và phải đưa ra những biện pháp để Facebook cũng được hưởng lợi từ Instagram, như hợp nhất dịch vụ nhắn tin trên cả 3 nền tảng.
Do sở hữu quá nhiều dữ liệu, Facebook cũng trở nên thiếu tôn trọng dữ liệu người dùng. Điều đó tạo ra cơ hội cho tin giả, các nội dung thù hận phát triển trên các nền tảng của công ty này. Báo cáo của Hạ viện Mỹ đề xuất một hình thức tương tác, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng lớn, cho phép các dịch vụ mới có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
"Quan trọng nhất, việc chia sẻ dữ liệu sẽ phá vỡ hiệu ứng mạng lưới, cho phép một công ty mới nhận được lợi thế từ mạng lưới đang tồn tại ở mức độ thị trường chứ không phải mức độ sở hữu của một công ty. Nó cũng sẽ giảm chi phí chuyển đổi nền tảng cho người dùng, bằng cách đảm bảo họ không bị mất dữ liệu khi chuyển từ một mạng lưới này sang mạng lưới khác", báo cáo này đề xuất.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-qua-tu-su-doc-quyen-cua-facebook-post1139057.html