Facebook, Instagram chặn truy cập tin tức tại Canada
Facebook và Instagram của Meta Platforms thông báo sẽ chặn truy cập liên kết tin tức đối với tất cả người dùng tại Canada, sau khi đạo luật yêu cầu công ty này phải trả phí cho những nhà xuất bản tin tức được ban hành
Trước đó, thượng viện Canada đã thông qua Đạo luật Tin tức Trực tuyến và chuyển sang thủ tục trình Hoàng gia phê chuẩn trước khi chính thức ban hành.
Quy định mới được xây dựng sau khiếu nại của ngành truyền thông xứ sở lá phong về việc những công ty công nghệ đang đẩy doanh nghiệp xuất bản khỏi thị trường quảng cáo trực tuyến.
“Chúng tôi xác nhận các liên kết tin tức sẽ bị ngừng cung cấp trên Facebook và Instagram đối với tất cả người dùng tại Canada khi Đạo luật Tin tức Trực tuyến có hiệu lực”, trích tuyên bố của Meta Platforms.
Đạo luật mới vạch ra các quy định yêu cầu những nền tảng như Facebook và Google phải đảm phán thỏa thuận thương mại và trả phí cho các nhà xuất bản tin tức, tương tự như bộ luật mang tính đột phá được thông qua ở Australia năm 2021.
Trong khi đó, các công ty công nghệ Mỹ cho biết, đề xuất trên khiến hoạt động kinh doanh của họ trở nên không bền vững. Google thậm chí nhận định bộ luật của Canada có phạm vi rộng hơn cả Australia, khi cho phép đặt giá đối với mỗi liên kết tin tức hiển thị trong kết quả tìm kiếm và áp dụng với cả những nhà phân phối không sản xuất nội dung.
Gã khổng lồ tìm kiếm đề xuất dự luật nên được sửa đổi lấy nội dung tin tức hiển thị làm cơ sở thanh toán, thay vì dựa trên các đường liên kết, đồng thời chỉ áp dụng đối với những nhà xuất bản tin tức đảm bảo tiêu chuẩn báo chí.
Đại diện Google ngày 22/6 cho biết, dự luật “không khả thi” và công ty đang khẩn trương tìm cách hợp tác với chính phủ “trên con đường phía trước”.
Song, Canada cho đến nay không có dấu hiệu sẽ thực hiện các thay đổi. Đầu tháng này, thủ tướng Justin Trudeau thông tin, Meta và Google đang thực hiện “chiến thuật bắt nạt” khi vận động chống lại bộ luật này.
Google và Facebook cũng đe dọa cắt giảm dịch vụ ở Úc khi một quy tắc tương tự được thông qua thành luật. Cả hai cuối cùng đã đạt thỏa thuận với các công ty truyền thông xứ kangaroo sau khi đạo luật được sửa đổi.
(Theo Reuters)