Facebook trong cơn khủng hoảng: Chưa thuộc bài học quá khứ
Mạng xã hội Facebook từng bị chỉ trích là công cụ lan truyền nội dung kích động hận thù gây tình trạng bất ổn tại Sri Lanka cách đây 2 năm, thậm chí chết người
Facebook gần đây đã lên tiếng xin lỗi vì có liên quan trong vụ bạo loạn gây chết người tại Sri Lanka hồi năm 2018, sau khi kết quả cuộc điều tra cho thấy những phát ngôn thù hằn và tin đồn lan truyền trên mạng xã hội (MXH) này đã châm ngòi hành động bạo lực chống người Hồi giáo.
Hứa rồi... lại hứa
Hãng tin Bloomberg trích tuyên bố của Facebook sau khi kết quả cuộc điều tra được công bố hồi tháng trước: "Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Facebook bị lạm dụng. Chúng tôi thừa nhận và xin lỗi vì điều đó đã gây ra những tác động thực tế về nhân quyền".
Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong vụ bạo loạn năm 2018, khi đó các nhà thờ Hồi giáo và cơ sở kinh doanh của người theo đạo Hồi bị thiêu đốt. Công ty tư vấn nhân quyền Article One được thuê tiến hành cuộc điều tra cho hay những bài viết thù địch và tin đồn lan truyền trên mạng Facebook thời điểm đó đã dẫn đến các vụ "bạo lực ngoại tuyến".
Đầu tháng 3-2018, chính phủ Sri Lanka đã chặn truy cập vào Facebook cùng nhiều MXH khác sau khi những cuộc bạo loạn chống Hồi giáo lan truyền tại quốc gia này trở nên nghiêm trọng. Chính phủ Sri Lanka thậm chí phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 10 ngày vì bất ổn. Phía Facebook khi đó bày tỏ lo ngại rằng động thái của chính phủ Sri Lanka đang hạn chế quyền truy cập thông tin của người dân nhưng quốc gia Nam Á này đã đổ lỗi cho Facebook không có biện pháp ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung thù hận và kích động bạo lực trên MXH này.
Những tưởng quá trình kiểm duyệt thông tin kích động thù hận trên MXH, đặc biệt là Facebook, được cải thiện sau vụ việc nói trên. Đến tháng 4-2019, chính phủ Sri Lanka một lần nữa "chặn tạm thời" MXH sau khi thông tin sai lệch bị phát tán dẫn đến vụ đánh bom tự sát khiến ít nhất 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Các nhóm giám sát internet từ lâu cảnh báo Facebook đang bị sử dụng để kích động thù hận các dân tộc thiểu số ở Sri Lanka. Freedom House, tổ chức theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu (Mỹ), cũng cho rằng ngôn từ kích động thù địch chống lại thiểu số vẫn tiếp tục phát triển trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, đặc biệt là Facebook.
Sri Lanka không phải là quốc gia duy nhất lên tiếng chống lại việc truyền bá nội dung sai lệch dẫn đến xung đột. Trước đó, tại Myanmar, nơi Facebook được sử dụng khá phổ biến, cũng xảy ra tình trạng tương tự khi MXH bị đổ lỗi cho các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ ngôn từ kích động, thù địch lan rộng, dẫn tới phân chia sắc tộc và tình trạng bạo lực đối với nhóm người Hồi giáo Rohingya thiểu số. Tại Ấn Độ, các nhà chức trách cũng từng tạm thời đóng cửa các mạng di động hoặc chặn các ứng dụng truyền thông xã hội trong các cuộc bạo loạn.
Hồi tháng 5-2018, một liên minh gồm các nhà hoạt động từ 8 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Sri Lanka và Myanmar, đã kêu gọi Facebook có cách tiếp cận minh bạch và nhất quán trong quá trình kiểm duyệt. Đáp lại những yêu cầu từ những tổ chức nhân quyền và chính phủ các nước, Facebook chỉ hứa hẹn cải thiện nền tảng vốn có nhiều thông tin giả, thù hằn.
Phép thử trong cuộc bầu cử Mỹ
Cho đến nay, nhiều sai lầm và bê bối của Facebook chưa ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận kinh doanh của MXH này. Giới hoạt động vì nhân quyền nhận định Facebook sẽ không thay đổi chính sách trừ khi bị đe dọa về tài chính. Năm 2019, Facebook thu được gần 70 tỉ USD doanh thu quảng cáo. Đến nay, hầu hết các công ty tham gia chiến dịch tẩy chay #StopHateForProfit (tạm dịch Ngừng kiếm lời từ sự thù địch) chỉ cam kết không sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook trong một tháng. Hiện số công ty tham gia tẩy chay chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhiều nhãn hàng đang chi tiền quảng cáo trên MXH lớn nhất hành tinh này.
Nhằm trấn an dư luận, Facebook cho biết đã đầu tư nhiều khoản tiền lớn để cải thiện hệ thống và các bộ phận phụ trách truy tìm nguồn gốc các bài viết có nội dung phân biệt chủng tộc, thông tin sai lệch và tiêu cực khác kể từ sau bê bối của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Theo tờ Telegraph (Anh), ông Nick Clegg, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, khẳng định sẽ chặn mọi quảng cáo trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm nay từ các cơ quan truyền thông ở nước ngoài.
Cân nhắc kỹ lưỡng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 với cáo buộc có sự can thiệp của Nga, Facebook đã có những bước thay đổi lớn. Hơn 35.000 nhân viên Facebook đang làm việc để bảo đảm vấn đề an toàn và an ninh, nhiều hơn gấp 3 lần so với số lượng nhân viên 4 năm trước, song song đó, "gã khổng lồ công nghệ" này cũng hợp tác chặt chẽ với chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật.
Theo các nghiên cứu độc lập, Facebook đã giúp chống lại sự can thiệp trong hơn 200 cuộc bầu cử kể từ năm 2017 và giảm nạn tin giả trên nền tảng của mình, tăng hơn 50%. Facebook cũng ngăn chặn hàng triệu tài khoản giả được tạo ra mỗi ngày và đánh sập các mạng lưới liên kết với các tài khoản có mục đích xấu. Bất kỳ ai muốn quảng cáo chính trị trên Facebook đều cần phải được cấp phép. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, Facebook đã chặn hơn 750.000 quảng cáo liên quan đến chính trị tại Mỹ do các nhà quảng cáo chưa hoàn thành việc xin cấp phép.