Facebook và Bluezone – truyện ngắn của NGÔ TRỌNG CƯ

Cả tuần qua, từ lúc thăm đồng gọi máy cắt đến lúc phơi lúa trên đoạn đường bê tông trước cửa ngõ, ông Sáu Nọc cứ cười móm mém, gặp ai cũng tấm tắc khen: “cái anh Phai Bóp sao mà giỏi quá! Không thầy bói nào bằng”.

- Giỏi chuyện gì hả chú Sáu? Chị Mì phơi lúa đoạn đường kế bên đặt cái trang cào lúa bên lề cỏ, cầm chiếc nón phe phẩy mấy lượt rồi lót đít ngồi xuống bên ông.

- Tuần trước đi Sài Gòn khám bệnh, lúc về chờ xe hơi lâu, đứng lên ngồi xuống, cái bóp (ví) rớt mất hồi nào không hay, về tới Phú Yên mới biết, coi như giấy tờ đăng ký, giấy phép lái xe, thẻ căn cước, bảo hiểm, cái toa thuốc... với năm triệu bạc con Út cho, tất cả đều mất tăm.

- Xui xẻo quá! năm triệu bạc, lúa đang được giá chú bán bảy trăm ký lấy lại cũng dễ; nhưng phải làm lại cho đủ giấy tờ mệt lắm nghen chú!

- Đâu cần phải làm lại, vậy mới cảm ơn anh Phai Bóp.

- Ủa, chú rớt cái ví trong bến xe Sài Gòn, liên quan gì đến phai với sắn?

- Nhờ thằng cháu con con Rạ nghỉ hè về chơi, nghe nói mất bóp, nó đăng lên Phai Bóp cho người ta chia sẻ. Tưởng đâu mất luôn, ai dè ba ngày sau có người gửi bưu điện đến tận nhà. Thằng cháu nó nói nhờ bạn thông qua phai bóp phai bột gì đấy.

Nãy giờ, cu cháu đang khều xoài phía trong hàng rào, nghe lỏm, tức cười không nhịn được, nó thò đầu ra “facebook” há cô, con đăng tin, có hơn chục người chia sẻ. Người nhặt được rất tốt bụng, ổng gửi ra theo địa chỉ trong giấy căn cước, ổng còn cho cả tiền cước luôn. Nhờ ổng mà cũng nhờ cộng đồng facebook. Ông Sáu nhìn vô phía cây xoài, kéo vạt áo lau mồ hôi cười khà khà:

- Thì Phai Bột cho dễ nhớ, cắt lúa xong, vun rơm lên nọc rồi nhổ phai hạ, năm nay mưa nắng điều độ chắc phai bột dữ lắm, ông nói như đánh trống lảng.

Sáu Nọc là tên quen gọi từ khi ông mới lập gia đình, ai ngờ dính chặt với ông đến nay đã gần trăm mùa lúa; chẳng liên quan gì với tên của ông trong thẻ căn cước. Nhà ông làm nhiều ruộng, nuôi nhiều bò nên phải dự trữ rất nhiều rơm khô; đám đất bên hông nhà lúc nào cũng sừng sững mấy nọc rơm to, tròn, vững chãi. Trước đây, cứ có người buôn bò hỏi thăm “biết nhà ai bán bò” là anh Bảy sửa xe chỗ ngã ba hay chỉ tay vô xóm “Nhà ông Sáu kia kìa, nhà có sáu nọc rơm đấy...”. Bí danh Sáu Nọc cũng bắt đầu từ đấy. Có lần anh Bảy bị chú Sáu rầy: “Cái thằng Bảy cà chớn, bò đâu bán mà cứ chỉ vô hoài, mắc công tao rót nước trà”. Mặc dù vậy, nhiều khi nhậu chơi ông lại vui vẻ tự khoe “Chẳng có đứa nào vun được nọc rơm đẹp như Sáu Nọc!”. Mọi người cười ồ “Một nọc chưa được nói gì đến sáu”.

Cũng từ hôm nhận lại được cái bóp, ông Sáu hay nhắc đến hai tiếng “phai bóp” có khi lại là “phai bột”, nói xong cười khì khà tươi rói chứ trước kia mỗi lần thấy vợ ông với mấy đứa cháu chụm đầu coi hình ảnh gì đấy trên điện thoại thông minh là ông kiếm chuyện sai đi làm gấp gãy, lúc làm mệt ông còn đòi lấy điện thoại ném dưới ao rau muống.

Thu hoạch xong, lúa đã lên xe, rơm đã thành nọc, sáng nay, ông Sáu ra đại lý Bốn Hải lấy tiền lúa, mùa này vừa được mùa vừa được giá, hai mẫu ruộng, để dành lúa giống lúa ăn đến giáp hạt; phần còn lại bán cũng hơn năm tấn, giá bảy mươi. “Chưa có năm nào được như năm nay”, ông vừa mở khóa xe vừa hát…

Hơn mười hai giờ trưa, bóng ngôi nhà ba gian chồm xuống chỗ lúa giống đang phơi giữa sân, cơm canh chờ trong lồng bàn đã nguội. Ông Sáu vẫn chưa về. Bà Sáu nghe nôn nao trong bụng, sợ ông ghé quán nhậu làm vài lon rồi lại đánh rơi cái bóp với mấy chục triệu tiền lúa. Bà đứng ngồi không yên, bụng dạ đâu mà ăn với uống; vừa cào chỗ lúa hất ra khỏi bóng mát vừa lẩm nhẩm một mình: “Bảo mua cái điện thoại xấu xấu, mỗi lần đi đâu gọi cho biết chừng cũng không chịu…”.

Bóng nắng qua hết sân, ông Sáu về, dựng xe đi thẳng đến chỗ bà Sáu đang ngồi nhìn vô điện thoại. Bà giả vờ như chưa thấy chồng về, nhưng không hề bực bội, vui vì thấy chồng tỉnh bơ, không có chút rượu bia nào.

Ông Sáu lấy gói tiền lúa bảo bà đi cất, một tay ông cầm chiếc điện thoại hiệu Samsung mới tinh: “Bà coi nè, tui mới mua, ba triệu chớ mấy”.

Bà Sáu bất ngờ, hơi lững khững một chút; bỏ tạm gói tiền vô hộc bàn, nhìn ông từ đầu tới chân, rồi đưa ra một dây dài chất vấn:

- Chớ sao ghét điện thoại mà mua chi? Sao bữa con Út nó đưa cái điện thoại cũ, nó năn nỉ lấy cho nó vui, đi đâu mẹ gọi về cho dễ cũng không lấy? Điện thoại bán đầy ngoài ngã ba kia, đi đâu thấu giờ mới về?

- Năm nay mình được mùa mà! Nhắc chi chuyện cũ. Mình còn làm được nên chưa muốn nhờ con, nên không lấy. Nếu không có điện thoại làm sao liên lạc với facebook (ông không nói phai-bóp nữa), làm sao tìm lại được cái bóp… Mà còn nhiều chuyện quan trọng hơn nữa; cũng may, tui xuống tận thành phố, mới học hỏi đủ chuyện.

- Chuyện gì hẽ ? Mua điện thoại ở đâu hẽ?

- Trên đường Trần Hưng Đạo chớ đâu, hồi tui đạp xe chở bà, xuống thị xã đi qua có ba con đường chớ mấy, cứ chạy tuột xuống biển ngồi mát rồi ngược lên đường số 6 đi về, giờ cũng vậy chớ đi đâu cho mệt. Cũng đường Trần Hưng Đạo nhưng bây giờ rất khác. Hay lắm chớ sao không.

- Hay cái gì chớ! Mới đi chưa hết ngày, về nói đã lấp la lấp lửng.

- Hì hì… vậy chớ sao hồi nãy bảo đi đâu lâu dữ. Thôi đừng hỏi nữa để tui kể cho nghe…

- Chỗ cửa hàng điện thoại, mấy đứa bán hàng, đứa nào cũng cao ráo trẻ đẹp như con Út nhà mình hồi còn đại học, mà mấy đứa nó nhiệt tình lắm.

- Chú ý kỹ gớm! Bà Sáu hứ dài thượt. Ông Sáu say sưa kể tiếp:

- Mua cái điện thoại xong nó hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng, nó cài giùm phai bút, diu tút, da lô… với một thứ rất quan trọng. Cực kỳ quan trọng. Nó hướng dẫn rất kỹ, cầm cái điện thoại cũ của “em” lại đây “anh” hướng dẫn lại cho.

Thấy bà lưỡng lự, ông ra lệnh: “Lấy điện thoại ra, tui chỉ cho!” Nói xong, ông mở khóa điện thoại mới rồi bấm vào biểu tượng Bluezone.

- Cài đặt cái này nè, để khi mình ở gần bên người khác nó sẽ báo có cô-vid 19 hay không; nguy cơ xa gần nó cũng báo cho mình biết để kịp gọi điện đến trung tâm y tế. Càng nhiều người cài đặt thì hiệu quả càng cao…; nó chỉ chỗ này là trang thông tin tình hình chống dịch chính xác nhất; không những vậy, muốn coi giá vàng, giá lúa, giá thịt heo…, lên hay xuống cũng có chỗ để coi khỏi phải ra chợ...

Mặc cho chồng hăng hái diễn tả, bà Sáu vẫn cứ ngồi cười chúm chím, ông bực mình, với lấy cái điện thoại từ tay bà, thoạt nhìn đã thấy biểu tượng Bluezone.

- Ủa! sao bà giỏi hẽ, bờ lu tút (bluetooth) cũng bật sẵn đây nè!?

- Ai đâu biết, có xuống phố đâu mà được gặp cô bán hàng hướng dẫn cài với đặt. Thôi ăn cơm đi, bà vừa bới cơm cho ông vừa kể: “Hồi bữa con Út nó cho cái điện thoại, nó nói con cài đặt đầy đủ những phần mềm cần thiết, mẹ cứ đúp bồ mở ra đọc thông tin thôi! Dễ ợt”.

- Sao không nói tui biết?

- Biết rồi hai vợ chồng ngồi chấm, gạt miết ai lo bò nghé, ruộng lúa.

- Giỡn quài, tui 70 rồi chớ đâu như hồi mới rình rập bà na!

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/245794/facebook-va-bluezone-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-ngo-trong-cu.html