Fan Trung Quốc chi tiền, vàng để thần tượng được ưu ái

Nước hoa, túi xách, thậm chí cả vàng miếng... người hâm mộ Trung Quốc đang sẵn sàng chi tiền để giúp idol của họ giữ mối quan hệ tốt với giới truyền hình.

Quy tắc ngầm tồn tại nhiều năm trong showbiz Hoa ngữ đã bị vạch trần khi Hà Cảnh, người được mệnh danh là “MC quốc dân”, mới đây chia sẻ việc anh thường xuyên nhận được quà cáp từ những người hâm mộ của idol.

Hà Cảnh kể anh nhận được rất nhiều món đồ giá trị, đa dạng, từ đồ nướng dành cho người sành ăn đến các mặt hàng xa xỉ như máy ảnh Leica và phụ kiện hàng hiệu. Người hâm mộ luôn dán tên thần tượng của họ lên những món đồ này với hy vọng nam MC sẽ chiếu cố đến idol của mình khi tham dự các chương trình giải trí.

Đến ngày 22/12, Hà Cảnh đăng bài viết xin lỗi trên trang cá nhân và khẳng định anh sẽ không nhận bất kỳ món đồ nào từ người hâm mộ nữa.

 "MC quốc dân" Hà Cảnh bị chỉ trích vì nhận quà giá trị từ người hâm mộ.

"MC quốc dân" Hà Cảnh bị chỉ trích vì nhận quà giá trị từ người hâm mộ.

“Ban đầu tôi nhận vì không muốn lãng phí nhưng mọi chuyện đã đi theo một hướng tồi tệ. Tôi thực sự xin lỗi vì điều đó. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này để từ chối rõ ràng tất cả các món quà trong tương lai. Tôi hy vọng các nhóm người hâm mộ, những người nổi tiếng, đồng nghiệp có thể hiểu và hợp tác”, nam MC viết.

Ngoài Hà Cảnh, nhiều MC khác của show Happy Camp, một chương trình của đài truyền hình Hồ Nam, có lịch sử lâu đời bậc nhất tại Trung Quốc với 23 năm phát sóng, như Ngô Hân, Tạ Na, Đỗ Hải Đào đều bị “ném đá” vì từng nhận quà của người hâm mộ. Một số thậm chí bị cáo buộc đã cố gắng bán những món quà họ nhận được trên một chợ đồ cũ trực tuyến.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đã chỉ trích dàn MC Happy Camp vì lợi dụng những người hâm mộ cuồng nhiệt một cách dại dột và chỉ ra nhiều người trong số các fan còn rất nhỏ tuổi.

Trong khi số khác lại chỉ ra một vấn đề lớn hơn - truyền thống không lành mạnh nhưng lâu đời của các nhóm người hâm mộ. Những người chỉ biết sử dụng tiền bạc để bày tỏ tình yêu và sự tôn thờ dành cho thần tượng của họ.

Không ít ý kiến thậm chí còn kêu gọi điều tra việc lạm dụng quyền lực và hành vi hối lộ trong ngành giải trí Trung Quốc. “Xin hãy trả lại cho chúng tôi một ngành công nghiệp trong sạch và vô tội” là hashtag đang được cộng đồng mạng sử dụng để khuyến khích cơ quan điều tra vào cuộc.

 Người hâm mộ gửi quà tặng đắt tiền cũng nhận nhiều ý kiến chê trách.

Người hâm mộ gửi quà tặng đắt tiền cũng nhận nhiều ý kiến chê trách.

Dùng tiền để mua danh tiếng cho thần tượng

“Đó không chỉ là lỗi của các MC. Đó là vấn đề liên quan đến người hâm mộ đương thời cần được sửa chữa khẩn cấp”, một người dùng Weibo viết và cho biết thêm, vì các nhóm người hâm mộ thường bị thúc đẩy bởi sự phù phiếm, họ thường xuyên xung đột với nhau. "Khi môi trường tổng thể đã trở nên hư hỏng, các cá nhân sẽ chỉ làm theo”.

Các fandom của những người nổi tiếng Trung Quốc - được biết đến nhiều hơn ở nước này với tên gọi “vòng kết nối người hâm mộ” - đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các ngôi sao trên mạng xã hội, cũng như tăng cường ảnh hưởng trực tuyến của họ.

Để đạt được điều này, fandom huy động số lượng lớn thành viên chi tiền mua album hay các các sản phẩm của thần tượng. Họ thậm chí dùng nhiều thủ đoạn để hạ bệ đối thủ cạnh tranh của idol.

Trong nhiều trường hợp người hâm mộ cuồng nhiệt và quá khích đến mức cơ quan giám sát Internet hàng đầu của Trung Quốc đã vào cuộc để chế ngự các hoạt động trực tuyến của họ.

Văn hóa fandom đáng lo ngại ở Trung Quốc buộc các cơ quan chức năng vào cuộc.

Văn hóa fandom đáng lo ngại ở Trung Quốc buộc các cơ quan chức năng vào cuộc.

Vào tháng 7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã phát động một chiến dịch kéo dài hai tháng nhằm truy quét các tài khoản người hâm mộ bất hợp pháp và “làm sạch thông tin quảng bá các giá trị xấu như phô trương sự giàu có, cũng như lối sống xa xỉ và hưởng thụ”.

“Việc lớn lên với những giá trị không lành mạnh như vậy chắc chắn sẽ gây bất lợi cho giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt là những người hâm mộ trẻ tuổi không độc lập về tài chính và có thể dẫn đến những hậu quả tai hại bao gồm xin tiền cha mẹ hoặc thậm chí là hành vi phạm pháp như ăn cắp hoặc hối lộ”, Global Times nhận định.

Ngay cả khi những người hâm mộ này tự nguyện chi tiền vì thần tượng, vẫn còn một câu hỏi là liệu những khoản chi này có đáng hay không.

Một số fandom chi rất nhiều tiền để thuê các công ty trực tuyến giúp quảng bá thần tượng của họ, tạo thành một chuỗi ngành công nghiệp đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế là người hâm mộ không cần phải làm vậy. Vì để có thể tồn tại và được công nhận trong giới giải trí, điều các thần tượng thực sự cần là tài năng và phẩm chất chứ không phải là tiền của fan hay hư danh ảo trên mạng.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fan-trung-quoc-chi-tien-vang-de-than-tuong-duoc-uu-ai-post1166715.html