FAO: Giá lương thực toàn cầu tăng nhanh nhất trong một thập niên
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, giá lương thực trong tháng 5/2021 cao hơn gần 40% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.
Giá lương thực toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập niên, làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, khi họ vẫn đang phải "vật lộn" với những tác động từ đại dịch COVID-19.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) lo ngại rằng, giá cả tăng cao có thể làm gia tăng thêm những bất ổn xã hội ở các quốc gia vốn đang “sa lầy” vào tình trạng thiếu ổn định trong nước.
Theo FAO, giá lương thực trong tháng 5/2021 cao hơn gần 40% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2011. Tính trên cơ sở 12 tháng, giá ngô đã tăng 88%, giá đậu tương tăng 73%, trong khi giá ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng 38%, giá đường tăng 34% và giá thịt tăng 10%.
Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, trong khoảng thời gian năm 2007-2008, giá thực phẩm cơ bản tăng "chóng mặt" đã gây ra tình hình bất ổn ở một số thành phố trên thế giới. Đỉnh điểm vào năm 2010-2011, giá cả tăng đóng vai trò như một chỉ báo sớm cho sự kiện Mùa Xuân Arab.
Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng lạm phát cũng đang tăng lên do chính phủ nhiều nước đã chi những khoản tiền “khổng lồ” cho các chương trình kích cầu sau khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh tế rơi vào bế tắc trong năm ngoái.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2021, đang tiêu thụ rất mạnh các thực phẩm cơ bản như các loại hạt có dầu, ngũ cốc và thịt.
Nhà kinh tế Philippe Chalmin cho biết, Trung Quốc chính là một trong những nhân tố thúc đẩy sự gia tăng giá lương thực trên toàn cầu.
Nền kinh tế Mỹ cũng dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, với việc WB dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ đạt mức 6,8% trong năm nay.
Josef Schmidhuber, Phó Giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của FAO, cho biết sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới hiện "rất không đồng đều", với các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với giá nhập khẩu cao hơn, trong khi nguồn thu của họ không tăng.
Các yếu tố khác đứng sau xu hướng gia tăng giá lương thực bao gồm hạn hán ở Brazil, khiến giá ngô tăng, giá dầu phục hồi và sự bùng nổ chi phí vận chuyển đường biển.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng vụ mùa giai đoạn 2021-2022 sẽ đạt mức cao kỷ lục và đây cũng được đánh giá sẽ là vụ thu hoạch kỷ lục đối với đậu tương Brazil và ngô Mỹ. Nếu những điều này thành hiện thực, tình hình giá cả tăng sẽ dịu xuống.
Tuy vậy, điều kiện khí hậu có thể là một nhân tố khó đoán định. Ông Schmidhuber tin tưởng rằng, giá lương thực sẽ vẫn tương đối cao trong năm nay, đặc biệt là nếu giá dầu tăng do ngành nông nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Trong khi đó, nhà kinh tế Abdolreza Abbassian của FAO, điều duy nhất chắc chắn là thị trường lương thực trong tương lai sẽ còn biến động nhiều hơn so với trước đây./.