Fed cam kết hỗ trợ đưa nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng vì COVID-19
Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: THX/TTXVN
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 10/6 đã phát đi tín hiệu rằng họ có kế hoạch hỗ trợ quy mô lớn kéo dài trong nhiều năm cho nền kinh tế Mỹ vốn đang phải đối mặt với những tác động khủng khiếp từ đại dịch COVID-19.
Theo giới quan sát, tại cuộc họp mới nhất kéo dài hai ngày 9-10/6, Fed cho thấy họ chưa hề “hụt hơi” như nhiều người lo sợ. Dù không có thay đổi gì đáng chú ý trong các động thái chính sách của mình, song ngân hàng trung ương này khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua giai đoạn đầy khó khăn trước mắt.
Những dự báo được kỳ vọng
Trong bản dự báo kinh tế đầu tiên kể từ tháng 12/2019, các quan chức Fed nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,5% trong năm nay, với tỉ lệ thất nghiệp giảm từ mức 13,3% ở hiện tại xuống 9,3% vào cuối năm. Chỉ số lạm phát do Fed theo dõi dự kiến sẽ đứng ở mức 0,8% trong năm nay, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương này đề ra trước đó.
Tuy nhiên, Fed vẫn tỏ ra kỳ vọng về một sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021 với mức tăng trưởng 5%, dù sau đó sẽ chậm lại xuống 3,5% vào năm 2022. Tỉ lệ lạm phát dự kiến cũng chỉ tăng lên mức 1,7% vào cuối năm 2022.
Giữa bối cảnh đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại thời điểm này, Fed chưa tính tới khả năng tăng lãi suất. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn.
Do đó, Fed sẽ giữ lãi suất chuẩn ở mức gần 0% cho đến khi các quan chức tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn trong thời gian gần đây cũng như đang trên đà đạt được mục tiêu ổn định giá cả và toàn dụng lao động.
Giới quan sát chỉ ra rằng hiếm khi nào các quan chức Fed có mức đồng thuận cao như vậy về quyết định giữ nguyên lãi suất. Tất cả 17 nhà hoạch định chính sách của Fed đều đồng ý giữ lãi suất chuẩn ở mức gần bằng 0% cho đến năm sau. 15/17 quan chức cho rằng lãi suất sẽ không thay đổi cho đến năm 2022, trước khi tăng trở lại mức 2,5% trong thời gian sau đó. Chỉ có hai quan chức dự báo lãi suất sẽ tăng lên trên mức 0% vào năm 2022.
Fed cũng bắt đầu định hình các biện pháp dài hạn mà ngân hàng trung ương này sẽ sử dụng để đảm bảo đà phục hồi mạnh nhất có thể cho nền kinh tế Mỹ.
Các quan chức Fed cam kết sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu liên tục với tốc độ mua trái phiếu Kho bạc ít nhất tương đương với mức hiện tại là khoảng 80 tỉ USD mỗi tháng, bên cạnh khoản 40 tỉ USD mỗi tháng nữa cho việc mua lại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp và trái phiếu của các doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ. Quy mô các chương trình trên có thể được tăng sau đó hoặc đi kèm với các chiến lược bổ sung khác.
Giới quan sát chỉ ra với cam kết duy trì chương trình QE như hiện tại, Fed sẽ chi tối thiểu 4 tỉ USD mỗi ngày cho việc mua trái phiếu, qua đó cho phép chính phủ chi tiêu không giới hạn và hỗ trợ nền kinh tế.
Hơn thế nữa, Fed đã không đặt giới hạn thời gian hoặc quy mô tối đa của chương trình này. Đây sẽ là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán, vốn đã tăng mạnh trong giai đoạn bảng cân đối kế toán của Fed “phình to” lên mức 3.000 tỉ USD.
Gian nan chặng đường phục hồi việc làm
Trong bản dự báo kinh tế đầu tiên của giai đoạn đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đưa ra nhận định đang ngày càng được ủng hộ rằng: việc đóng cửa, hạn chế kinh doanh và các biện pháp khác được sử dụng để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19 sẽ để lại “dư âm” đối với nền kinh tế trong nhiều năm tới chứ không hề nhanh chóng biến mất khi hoạt đọng thương mại mở cửa trở lại.
Kể từ tháng Hai đến nay, đã có khoảng hơn 20 triệu người lao động Mỹ mất việc. Chủ tịch Powell thừa nhận nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất nhiều năm để tạo lại số lượng việc làm bị mất trên.
Giờ đây, nhiệm vụ xuyên suốt của của Fed sẽ là đưa thị trường việc làm trở lại về ngưỡng của cuối năm ngoái, với tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 3,5% và tiền lương cho một số lao động trong lĩnh vực dịch vụ - nhóm đã phải chịu đựng nhiều ảnh hưởng nhất trong giai đoạn suy giảm việc làm trầm trọng gần đây – vẫn ghi nhận mức tăng tích lũy.
Việc phục hồi thị trường lao động sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này được thể hiện trong dự đoán của Chủ tịch Fed về tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống 6,5% vào cuối năm 2021 và 5,5% vào cuối năm 2022. Tuy con số trên lạc quan hơn mức 13,3% của hiện tại, chúng vẫn cao hơn 2 điểm phần trăm so với mức cuối năm ngoái.
Giới quan sát cũng chỉ ra rằng lời nói của người đứng đầu Fed đã khác hẳn so với cuộc họp cách đây 6 tuần. Khi đó, ông Powell đã nói nhiều lần về khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và thứ ba trong những tháng tới cùng những tác động tàn phá tiềm ẩn của chúng nếu nền kinh tế Mỹ. Còn tại cuộc họp báo mới nhất vào ngày 10/6, Chủ tịch Fed đã chuyển sang tập trung vào hàng triệu người có thể vẫn thất nghiệp ngay cả khi nền kinh tế phục hồi.
Sự thay đổi trên phản ánh thực tế rằng nhiều bang đã bắt đầu mở lại nền kinh tế của họ mà không quá bận tậm tới lời khuyên của các quan chức y tế, những người cho rằng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và hệ thống hiện không đủ khả năng để theo dõi và truy vết các bệnh nhân.
Trái ngược với các khu vực châu Á và châu Âu, nhưng nơi đã chờ tới khi số ca lây nhiễm mới sụt giảm mạnh hơn và rõ ràng hơn trước khi mở cửa trở lại, nhiều thống đốc bang của Mỹ đã nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế chỉ có thể xếp sau cuộc khủng hoảng y tế trong một thời gian hạn chế.
Fed dường như đã đặt những yếu tố đó trong đánh giá kinh tế của ngân hàng trung ương này ở một mức độ nhất định. Chủ tịch Powell cho biết việc số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại nước này giảm trong tháng Năm là một "bất ngờ đáng hoan nghênh". Nhưng ông cảnh báo rằng con đường phục hồi phía trước còn rất dài.
Giới phân tích cho hay nhận định của ông Powell là rất thực tế. Người đứng đầu Fed hiểu rằng đà phục hồi kinh tế sau đại dịch của Mỹ có thể sẽ không diễn ra nhanh như thị trường chứng khoán đang kỳ vọng.