FED có thể vẫn tăng lãi suất và 'thế khó' với trong nước
Sau khi FED tăng lãi suất lần thứ 10 vào tháng 5/2023, nhiều dự báo cho rằng chuỗi các đợt tăng lãi suất sẽ dừng lại. Tuy nhiên, một số dự báo gần đây lại cho rằng, FED có thể vẫn tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 6 và kịch bản này nếu diễn ra sẽ là một bối cảnh khó cho mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất trong nước.
Vẫn có khả năng FED còn tăng lãi suất
Lần tăng lãi suất gần đây nhất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào đầu tháng 5/2023, khi đó, lãi suất được FED tăng thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) và ghi nhận lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022. Phạm vi lãi suất liên bang theo đó đã tăng lên mức 5 - 5,25%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Mặc dù vậy, thị trường tài sản lại có những tín hiệu “ngược” sau lần tăng lãi suất này của FED, giá vàng bật tăng mạnh vượt lên trên 2.000 USD/ounce và có thời điểm tiến tới mốc 2.060 USD/ounce.
Đây được coi là một động thái “ngược” bởi thông thường giá vàng và lãi suất diễn biến ngược chiều nhau, tức sau khi lãi suất tăng thường có tác động làm giảm giá vàng. Tuy nhiên, tính chất của đợt tăng lãi suất hồi đầu tháng 5 của FED có những yếu tố khác những lần trước, khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây có thể là đợt tăng cuối cùng và lãi suất sẽ bước vào giai đoạn đi ngang trước khi chuyển hướng giảm dần.
Song một số dự báo gần đây đang có những thay đổi so với thời điểm đầu tháng 5, khi FED để mở khả năng vẫn có thể có thêm đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 6/2023. Một số yếu tố dẫn đến tâm lý lo ngại việc FED có thể vẫn tăng suất là tình trạng lạm phát tại Mỹ hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của FED. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa qua của Mỹ tăng 4,9% và chỉ số CPI lõi (đã loại bỏ giá thực phẩm và giá năng lượng) tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tâm lý lo lắng về việc chưa dừng tăng lãi suất là một trong những yếu tố tác động làm giảm giá vàng trong giai đoạn gần đây. Trên thị trường thế giới, giá vàng có lúc giảm về mốc chỉ còn khoảng 1.950 USD/ounce, mặc dù đã có một số phiên phục hồi gần đây nhưng kịch bản khó xảy ra cho việc kim loại quý này quay lại vượt mốc 2.000 USD/ounce.
“Thế khó” cho lãi suất trong nước
Diễn biến lãi suất trong nước thời gian qua đã giảm so với cuối năm 2022. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).
Mặc dù vậy, diễn biến lãi suất vẫn chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa cập nhật vẫn có đánh giá cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao.
Trong nội dung chỉ đạo với ngành Ngân hàng tại sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng tiếp tục đề cập vấn đề lãi suất khi cho biết, ngành Ngân hàng cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực thi các giải pháp để giảm chi phí hoạt động, từ đó tiếp tục giảm lãi suất.
“Căn cứ tình hình lạm phát, ngành Ngân hàng cần chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp, qua đó cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đó là yếu tố quan trọng góp phần triển khai hiệu quả sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía NHNN, trong phần nội dung giải thích vừa qua về vấn đề mặt bằng lãi suất còn cao, cơ quan này cho rằng, bối cảnh hiện nay các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao.
Trở lại các dự báo mới đây về động thái của FED, hiện nay, các cơ sở khẳng định việc có thể tăng lãi suất trong tháng 6 cũng mới chỉ là các yếu tố mang tính chất lo ngại chứ chưa được khẳng định hoàn toàn. Công cụ dự báo CME FedWatch (một công cụ của CME Group bao gồm các chỉ số giúp dự báo lãi suất của FED) hiện nhận thấy 44% khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 6.
Theo số liệu này, xác suất xảy ra khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 6 cũng chỉ dưới 50%, nhưng nếu việc tăng lãi suất từ FED diễn ra thì đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất chung trên thế giới nói chung và Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng bởi xu hướng này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, riêng về lãi suất dù đã hạ nhiệt sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN nhưng vẫn ở mức cao.
Lý do là các khoản huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được. Các khoản huy động cũ lãi suất cao chưa đáo hạn cũng khiến các ngân hàng vẫn chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố 2 quyết định hạ lãi suất điều hành. Trong đó, Quyết định số 950/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5/2023./.