Fed ghi nhận khoản lỗ 100 tỷ USD do chi phí lãi vay
Dữ liệu được công bố mới đây cho thấy khoản lỗ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vượt mốc 100 tỷ USD và có khả năng sẽ tăng cao hơn rất nhiều trong ngắn hạn…
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiếp tục trả chi phí lãi vay nhiều hơn số tiền lãi kiếm được từ trái phiếu mà họ sở hữu cũng như từ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khu vực tài chính. Một số nhà quan sát tin rằng khoản lỗ của Fed, bắt đầu từ một năm trước, có thể tăng lên gấp đôi trước khi bắt đầu giảm bớt.
Ông William English, một cựu nhân viên tài chính tại Fed, hiện đang làm việc tại Đại học Yale cho biết ông dự đoán mức lỗ “đỉnh” sẽ là 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, ông Derek Tang của công ty dự báo LH Meyer lại tin rằng khoản lỗ có thể nằm trong khoảng từ 150 tỷ đến 200 USD tỷ USD vào năm tới.
Fed quản lý các khoản lỗ của mình bằng cái mà họ gọi là tài sản hoãn lại, một biện pháp kế toán để xác định những gì họ sẽ phải trang trải trong tương lai trước khi có thể trả lại lợi nhuận cho Kho bạc.
Việc thua lỗ là rất hiếm xảy ra đối với Fed. Đồng thời, ngân hàng trung ương đã nhiều lần tuyên bố rằng tình hình này không hề làm suy giảm khả năng thực hiện chính sách tiền tệ và đạt được các mục tiêu của ngân hàng.
Việc Fed thua lỗ không phải là quá điều bất ngờ, bởi chiến dịch tăng lãi suất rầm rộ của Fed kể từ tháng 3/20233 đã đưa lãi suất qua đêm từ mức gần bằng 0 lên 5,25% -5,50% của hiện tại. Với áp lực lạm phát đang giảm dần, nhiều người dự đoán Fed đã gần hoàn tất lộ trình tăng lãi suất.
Nhưng điều đó không có nghĩa là khoản lỗ sẽ ngừng gia tăng vì mức lãi suất ngắn hạn hiện tại sẽ khiến thu nhập ròng tăng âm trong một thời gian. Thay vào đó, khoản lỗ cuối cùng được chấm dứt chủ yếu nhờ quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed.
Fed đã tích cực mua trái phiếu trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19. Chỉ trong năm ngoái, Fed đã tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ USD cho trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp. Các quan chức Fed gợi ý rằng còn nhiều việc phải làm trên mặt trận này và do đó, ngân hàng trung ương sẽ phải chi tiêu ít hơn cho lãi suất vì họ đang loại bỏ tính thanh khoản khỏi hệ thống tài chính.
Dự trữ ngân hàng của Fed đã giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD so với mức đỉnh vào cuối năm 2021 và đứng ở mức 3,3 nghìn tỷ USD tính đến 13/9. Trong khi đó, mức dư nợ repo nghịch đảo (Reverse Repurchase) hàng ngày đã giảm từ hơn 2 nghìn tỷ USD xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông James Bullard, cựu chủ tịch của Fed khu vực St. Louis, cho biết ông lo lắng về những khoản lỗ của ngân hàng trung ương. Ông Bullard nói rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu Fed giữ lại một phần trong số 1 nghìn tỷ USD mà họ đã trao cho Bộ Tài chính trong thập kỷ qua để bù đắp những khoản lỗ mà cơ quan này hiện đang phải đối mặt, nhưng ông cũng lưu ý thêm, đó không phải là hệ thống mà Quốc hội đã thiết lập.
Cho đến khi Fed bớt thua lỗ, thì có lẽ sẽ phải mất nhiều năm trước khi có thể loại bỏ tài sản hoãn lại khỏi sổ sách và bắt đầu trả lại tiền mặt cho Kho bạc.
Trong một thời gian, Fed đã trả lại lượng tiền đáng kể cho Kho bạc và số tiền này đã được sử dụng để giảm thâm hụt của chính phủ. Vào năm 2022, Fed đã trả lại 76 tỷ USD, sau khi trả lại 109 tỷ USD vào năm 2021. Mức thu nhập cao khi đó có liên quan mật thiết tới mức lãi suất thấp cùng thời điểm.
Mặc dù hiện vẫn còn những câu hỏi băn khoăn về việc Fed có thể sớm trở lại với khả năng đó hay không, nhưng nhiều quan chức Fed, đặc biệt là chủ tịch Fed New York John Williams, tỏ ra rất lạc quan về điều này.