FED giảm lãi suất khẩn cấp, một lần là chưa đủ?
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất, theo đúng mong muốn của thị trường chứng khoán và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về dịch bệnh COVID-19.
Theo kênh CNN (Mỹ), sáng 3/3 (giờ địa phương), FED đã khẩn cấp giảm lãi suất 0,5%. Lãi suất hiện ở biên độ 1-1,25%. Chủ tịch FED Jerome Powell nói FED sẵn sàng sử dụng các công cụ và hành động phù hợp, tùy theo diễn biến sự kiện.
Thời điểm giảm lãi suất khá bất ngờ và khiến dư luận ngạc nhiên vì ông Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chỉ vài giờ trước đó còn không hề nhắc đến khả năng này khi cảnh báo Mỹ và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cần chuẩn bị hành động. Hơn nữa, trong hơn hai tuần nữa, FED sẽ có một cuộc họp chính sách thường kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngày 3/3 cho rằng FED phải hành động bây giờ. Đây là cách duy nhất để trấn an các nhà đầu tư rằng FED rất quan tâm tới mối đe dọa liên quan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Tony Fratto, thành viên công ty Hamilton Place Strategies và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nói: “Với FED, không thể chờ tới cuộc họp chính sách tiếp theo mới giảm lãi suất. Mọi thứ đang diễn ra quá nhanh”.
Theo ông Fratto, sau hành động của FED, trách nhiệm giờ thuộc giới chức y tế, Quốc hội và Nhà Trắng. Cần hành động khẩn cấp hơn để đảm bảo virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) không lây lan và cần có nguồn tiền để xử lý khủng hoảng.
Dù vậy, việc của FED vẫn chưa xong. Các thị trường vẫn lo lắng rằng thiệt hại kinh tế do virus gây ra có thể không chỉ kéo dài vài tuần, mà hàng tháng, thậm chí hàng quý. Do không rõ thiệt hại kinh tế sẽ kéo dài bao lâu nên FED thiên về khả năng thận trọng.
Ông Scott Kessler thuộc công ty nghiên cứu Third Bridge nhận định: “Nhiều người không chắc tình trạng này là tạm thời hay sẽ là điều gì đó tồi tệ hơn nhiều. Nhưng khi chứng kiến các công ty như Apple và Microsoft chật vật với vấn đề cung-cầu, người ta có nhiều lý do hơn để lo ngại về tác động”.
Một chuyên gia thị trường khác cho rằng Chủ tịch FED Powell và các thành viên FED khác cần nhấn mạnh họ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để giữ nền kinh tế không vượt ngoài tầm kiểm soát.
FED sẽ có cuộc họp vào 18/3 tới và có thể lại giảm lãi suất.
Ông Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại công ty AllianceBerrnstein, cho rằng FED đang có xu hướng “phủ đầu” hơn. Khả năng cắt lãi suất tiếp trong hai tuần tới là cao. Ông nói: “Việc FED cắt giảm lãi suất lần nữa là rất quan trọng. Thị trường không muốn phản ứng kiểu một lần. FED phải sẵn sàng cắt lãi suất liên tục. Nếu đây chỉ là giảm lãi suất một lần, động thái đó sẽ là thảm họa và phản tác dụng”. Ông Winograd cho rằng FED có thể giảm lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nữa vào ngày 18/3 tới đây.
Theo tờ New York Times (Mỹ), dự báo đó diễn ra trong bối cảnh dù đã tung đòn “phủ đầu” bằng cách giảm lãi suất mạnh nhất trong hơn chục năm qua nhưng các thị trường tiếp tục xu hướng đi xuống.
Chứng khoán Mỹ chỉ tăng điểm khoảng 15 phút sau khi lãi suất giảm, nhưng lo lắng FED không đủ năng lực đối phó với rủi ro kinh tế do virus gây ra đã khiến làn sóng bán tháo diễn ra.
Cuối ngày 3/3, chứng khoán giảm điểm mạnh khi chỉ số S&P 500 giảm 2,8% giá trị. Lãi suất trái phiếu giảm tới mức thấp khó tưởng tượng với mức dưới 1%.
Mặc dù giảm lãi suất có thể thúc đẩy niềm tin và hỗ trợ lãi suất cho vay, nhưng không thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giúp các công ty giải quyết vấn đề đơn hàng bị trì hoãn hay người lao động nhiễm bệnh. Bản thân ông Powell cũng nhận thức rõ điều này: “Chúng tôi thực sự nhận thấy giảm lãi suất không thể giảm tốc độ lây lan, sẽ không thể khôi phục chuỗi cung đứt gãy”.
Nếu muốn kiềm chế tác hại kinh tế về lâu dài, những việc có thể làm là hạn chế giao thông hàng không, đóng cửa rạp chiếu phim, đóng cửa nhà máy và cách ly người lao động bị bệnh. Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp này dù làm tổn thương nền kinh tế tạm thời nhưng có thể giúp giảm tốc virus lây lan.
Ông Anthony S. Fauci, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đánh giá biện pháp của Trung Quốc là hà khắc nhưng cũng phải thừa nhận biện pháp đó đã giảm số ca nhiễm virus.
Nhiều nhà kinh tế dự báo Mỹ có thể đối mặt với tình trạng kinh tế suy giảm mạnh, thậm chí suy thoái nếu nỗ lực kiềm chế dịch bệnh thất bại. Ông Neil Dutta tại công ty nghiên cứu vĩ mô Renaissance nói công cụ của FED không hoàn hảo và không đủ để đối phó với khủng hoảng y tế công cộng.
Cắt giảm lãi suất khẩn cấp không phải chưa từng có tiền lệ. Năm 2008, FED đã giảm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, lần này, FED cố gắng hành động trước khi vấn đề đề kinh tế xảy ra hơn là chờ tới khi thiệt hại hiện rõ, nhưng dù sao, một lần vẫn là chưa đủ.