Fed hành động nhanh giữa lúc Quốc hội bế tắc với gói 1.000 tỉ USD
Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC - Nguồn: AFP/TTXVN
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 23/3 tuyên bố tăng cường những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bên cạnh những lo ngại Fed đang dần dùng hết các “vũ khí” mình có, nhiều chuyên gia tin rằng các chính sách tài khóa mạnh mẽ cần được ban hành nhanh chóng để ngăn chặn đà giảm tốc biến thành một cuộc suy thoái kéo dài.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - đã tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty.
Động thái này là bước đi mới nhất của Fed nhằm thưc hiện một biện pháp can thiệp chưa từng có vào nền kinh tế Mỹ với mục đích duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Quyết định trên cho thấy Fed sẵn sàng hành động mạnh mẽ nếu cần để đưa kinh tế Mỹ vượt qua cơn khủng hoảng do dịch COVID-19.
Ông Chris Rupkey, chuyên gia tài chính trưởng của ngân hàng MUFG Union Bank, cho rằng "Fed đang chuyển mình để không chỉ là người cho vay cuối cùng mà giờ đây còn là người mua cuối cùng”.
Bà Krista Schwarz, giáo sư của trường Wharton School thuộc đại học University of Pennsylvania, cho rằng Fed đã thực sự sáng tạo và nhanh chóng trong việc ứng phó với chính sách tiền tệ “bằng mọi cách có thể”.
Đồng quan điểm, ông Tim Duy, một giáo sư của đại học University of Oregon, cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các cộng sự trong vòng hai tuần qua đã đưa ra những công cụ mà trong cuộc khủng hoảng trước đó đã phải mất hàng năm trời.
Trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại Fed đang dần cạn kiệt “kho vũ khí” để kích thích nền kinh tế, bà Schwarz cho rằng Fed đã sử dụng nhiều công cụ chính sách, nhưng ngân hàng này vẫn chưa “trắng tay”. Bà nhận định Fed luôn có thể tạo ra nhiều công cụ hơn để nhằm vào các lĩnh vực thị trường khác nữa hay hướng đến các đối tượng nhất định.
Mặc dù vậy, ông Tim Duy cho rằng Fed không thể làm điều này một mình và cần đến hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Bà Schwarz khẳng định Fed có thể hành động nhanh chóng hơn Quốc hội, nhưng Quốc hội cần phải cung cấp những biện pháp kích thích tài khóa mà chỉ cơ quan này mới có thể ban hành.
Tuy nhiên, sau vài ngày thảo luận kéo dài, ngày 23/3, Thượng viện Mỹ một lần nữa không thông qua được dự luật cứu trợ khẩn cấp do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất. Dư luật trên nếu được thông qua và ban hành thành luật sẽ mở đường cho Chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế trong chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, dự luật không được thông qua khi chỉ có 49 thượng nghị sĩ ủng hộ và 46 thượng nghị sĩ phản đối, không đạt được tỉ lệ cần thiết là 3/5 tổng số phiếu, tương đương 60 phiếu ủng hộ trong 100 phiếu tại thượng viện.
Trong khi đó, Quốc hội Úc ngày 23/3 đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 84 tỉ AUD (49 tỉ USD) nhằm đối phó với dịch COVID-19. Tại phiên họp vào tối 23/3, đảng Lao động đối lập đã cùng với liên minh cầm quyền thông qua hai gói hỗ trợ, gồm một gói trị giá 17,6 tỉ AUD và một gói trị giá 66 tỉ AUD. Ngoài ra, khoản dự phòng 40 tỉ AUD cũng đã được nhất trí để chi trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh.
Trong khuôn khổ các biện pháp kích thích mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện, các tổ chức phi lợi nhuận (bao gồm các tổ chức từ thiện) có sử dụng lao động, sẽ nhận được số tiền hỗ trợ 100.000 AUD nhằm hạn chế thiệt hại.
Theo Bộ trưởng Tài chính Frydenberg, đây là gói hỗ trợ đáng kể nhất cho nền kinh tế và cộng đồng kể từ thời chiến. Ông cho rằng tình hình kinh tế đang xấu đi theo từng ngày và cú sốc kinh tế do dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn dự tính ban đầu. Ông Frydenberg nói thêm Quốc hội đã hành động vì những lợi ích tốt nhất của những người không có việc làm ổn định, các nhà giao dịch, người về hưu, những người cần sự hỗ trợ về tài chính và sinh viên.
Trong khi đó, ngày 24/3, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA - ngân hàng trung ương) đã bơm 6,9 tỉ AUD vào hệ thống tài chính và cho biết sẽ mua 4 tỉ AUD trái phiếu chính phủ nhằm hạn chế tác động kinh tế của dịch bệnh.
RBA đã bơm vào hệ thống gần 65 tỉ AUD tiền mặt kể từ ngày 12/3, khi căng thẳng về thanh khoản đã khiến các thị trường toàn cầu chao đảo. Ngân hàng này cũng đã mua 9 tỉ AUD trái phiếu chính phủ kể từ khi khởi động chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn vào ngày 20/3.
Cùng ngày 24/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 100.000 tỉ won (80 tỉ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ông Moon cũng công bố nhiều khoản quỹ đặc biệt để bình ổn các thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước.
Tổng thống Moon đưa ra thông báo trên tại phiên họp thứ hai của Hội đồng kinh tế khẩn cấp với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki và Thống đốc Ngân hàng trung ương Lee Ju-yeol.
Tại cuộc họp, Tổng thống Moon nhấn mạnh chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp giúp các công ty của Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng do tác động của COVID-19. Theo đó, chính phủ quyết định tăng nguồn quỹ đối phó với tình trạng khẩn cấp lên 100.000 tỉ won từ mức 50.000 tỉ won đã nhất trí trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng kinh tế khẩn cấp tuần trước.
Kế hoạch 50.000 tỉ won lúc đầu nhằm hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, các cửa hàng kinh doanh nhỏ thông qua các khoản vay. Kế hoạch 100.000 tỉ won sẽ hỗ trợ cả các tập đoàn và công ty lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ kích hoạt lại quỹ bình ổn thị trường trái phiếu trị giá 20.000 tỉ won, tăng gấp đôi so với trị giá vào thời điểm quỹ được lập để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán sẽ được lập có trị giá 10.700 tỉ won, cao hơn nhiều so với quỹ 500 tỉ won năm 2008.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu của Cơ quan quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 24/3 cho biết trong ngày 23/3 Hàn Quốc ghi nhận thêm 76 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tăng nhẹ so với con số 64 ca ghi nhận một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 9.037 người.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc tăng 9 trường hợp lên 120 ca, chủ yếu là người cao tuổi trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn đến nay là 3.507 người. Trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhất khỏi bệnh là cụ bà 93 tuổi ở TP Daegu. Thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang hiện có số ca mắc bệnh chiếm 71% số ca nhiễm trên cả nước.
Cũng theo KCDC, trong tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc có 144 người được xác định nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc (trong đó 70% đến từ khu vực châu Âu).
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)