FED: Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng vững chắc

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 1/6 nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng vững chắc, ngay cả khi các công ty của nước này đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, giá cả leo thang. Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy thực trạng này có thể thay đổi.

Container hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Container hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khảo sát Beige Book (Sách Be) mới nhất về điều kiện kinh doanh, FED chỉ ra có một số khu vực gia tăng quan ngại về suy thoái kinh tế. Toàn bộ 12 khu vực của FED đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó có 4 khu vực có tốc độ tăng trưởng chậm, 3 khu vực đặc biệt quan ngại về suy thoái.

Theo khảo sát, được tiến hành đến ngày 23/5, FED nhận thấy giá cả tại hầu hết khu vực đều tăng mạnh, đặc biệt là giá đầu vào. Trong khi đó, nhiều công ty vẫn dự định tăng giá đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, lượng hàng mà người tiêu dùng mua ít hơn hoặc thay thế bằng hàng hóa có giá thành rẻ hơn.

FED đưa ra báo cáo Beige Book trước thềm cuộc họp chính sách của cơ quan này, dự kiến diễn ra vào ngày 14 và 15/6. Báo cáo cũng chỉ ra tác động từ các biện pháp chống lạm phát tích cực của ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lạm phát cao đang "phủ bóng đen" lên những cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng trưởng sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua lần lượt là 8,5% và 8,3%, đều là những mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến giá tiêu dùng trong năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm dần khi FED tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đầu tháng này, FED đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm %, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2000. FED cũng nhấn mạnh "cam kết và quyết tâm mạnh mẽ" trong việc kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất.

Cùng ngày, Viện quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ đưa tin sản xuất của nước này đã chứng kiến mức tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 5, dù chuỗi cung ứng vẫn đang bị gián đoạn.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức 56,1%, tăng 0,7 điểm % so với tháng 4. Nếu chỉ số này trên 50%, có nghĩa lĩnh vực sản xuất nói chung đang mở rộng. Theo ISM, chỉ số đơn đặt hàng mới là 55,1%, cao hơn 1,6 điểm % so với mức của tháng 4, chỉ số đơn tồn đọng là 58,7%, cao hơn 2,7 điểm %. Chỉ số giao hàng của nhà cung cấp là 65,7%, thấp hơn 1,5 điểm % so với tháng 4. Điều này cho thấy việc giao hàng diễn ra nhanh hơn chút ít, và việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng đã giảm bớt.

Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/fed-my-van-duy-tri-da-tang-truong-vung-chac-20220602123304745.htm