FED sẽ dừng lại sau ba lần giảm lãi suất?
Trong cuộc họp chính sách kết thúc vào cuối tháng 10 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống vùng 1,5-1,75%/năm, đánh dấu lần giảm thứ ba liên tiếp trong ba cuộc họp gần đây.
Các thị trường tài chính lập tức phản ứng, với chứng khoán và giá vàng đi lên, trong khi đồng USD chìm sâu trước chính sách tiền tệ nới lỏng của ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn nhất thế giới này.
Sau khi dành phần lớn thời gian trong năm để "chiến đấu" với các "lực lượng" không chắc chắn đè nặng lên nền kinh tế, FED đã tuyên bố chiến thắng trong buổi họp báo sau đó. Chủ tịch FED là Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông cho rằng, không có sự suy giảm trong triển vọng kinh tế, bất chấp bị đe dọa từ những yếu tố bên ngoài như đà giảm tốc kinh tế trên toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những bất ổn liên quan đến Brexit.
Những thành viên của FED cũng tin rằng, họ đã hoàn thành chính sách cắt giảm lãi suất sau động thái mới nhất ấy. Theo đó, với kỳ vọng chính sách mở rộng sẽ tạm dừng, FED cho biết sẽ không quan tâm đến việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ dựa trên đánh giá về triển vọng nền kinh tế, nhưng cũng sẽ không sớm tăng lãi suất trở lại chừng nào lạm phát tiếp tục nằm dưới mục tiêu.
Trong bản tuyên bố sau cuộc họp, FED đã bỏ một câu quan trọng xuất hiện từ tuyên bố sau cuộc họp tháng 6/2019, đó là "hành động hợp lý để duy trì đà tăng trưởng". Ông Powell đã sử dụng câu này vào đầu tháng 6/2019 để dọn đường cho đợt hạ lãi suất trong tháng 7/2019 và nó đã được sử dụng trong tuyên bố chính thức kể từ đó. Do đó, chỉ riêng việc loại bỏ câu trên đã là một sự thay đổi rõ ràng trong việc nhắn tin đến thị trường rằng, một đợt cắt giảm lãi suất khác hiện chưa được xem xét.
Dù vậy, ông Powell đã xóa bỏ mọi nghi ngờ rằng FED xem việc cắt giảm lãi suất lần này là kết thúc điều chỉnh giữa chu kỳ của họ, khi ông nêu: “Chúng tôi nhận thấy lập trường chính sách hiện tại có lẽ hợp lý, miễn là các dữ liệu trong nền kinh tế vẫn duy trì sự mở rộng phù hợp”.
Điều này được hiểu như là chừng nào tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức 2% thì FED sẽ không tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ngược lại, nếu lạm phát vẫn ở mức phù hợp, tức dưới mục tiêu 2%, FED cũng sẽ không tăng lãi suất. Với một chính sách được dự báo sẽ "tạm dừng" như vậy, khả năng đường lãi suất cơ sở sẽ đi ngang vào cuối năm nay. Rõ ràng sau một năm khá bận rộn, Powell và các đồng nghiệp đã "tạm nghỉ ngơi" và thong thả theo dõi những diễn biến mới.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng (PCE) chỉ tăng 0,2% trong tháng 7/2019. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng đầy biến động, chỉ số PCE lõi chỉ tăng 0,1% trong tháng trước sau khi tăng 0,2% trong tháng 7/2019. Xét trong giai đoạn 12 tháng, chỉ số PCE lõi tăng 1,8% trong tháng 8/2019, tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2019, từ mức 1,7% của tháng 7/2019.
Chỉ số PCE lõi là thước đo lạm phát ưa thích của FED và liên tục dưới ngưỡng mục tiêu 2% của cơ quan này trong năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý III/2019 của Mỹ chỉ đạt 1,9%, cao hơn dự báo 1,6% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các quý trước, cho thấy sự giảm tốc kinh tế đã xuất hiện.
Về ý kiến của các thành viên trong nội bộ FED, các quan chức tỏ ra bất đồng về chuyện có cần giảm lãi suất thêm hay không. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ bang Kansas City - Esther George, và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ bang Boston - Eric Rosengren, đều lên tiếng phản đối giảm lãi suất, cả hai đều cho rằng FED nên giữ nguyên lãi suất. FED cũng đang mua trái phiếu một lần nữa, nhưng các quan chức cho rằng đây là nỗ lực để giữ lãi suất trong phạm vi mục tiêu chứ không được xem là gói nới lỏng định lượng (QE).
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó lại một lần nữa chỉ trích FED trên mạng Twitter, bất chấp NHTƯ này vừa mới giảm thêm lãi suất. Theo ông Trump thì "Mọi người rất thất vọng bởi Jay Powell (Chủ tịch FED) và Cục Dự trữ Liên bang. Đồng USD và lãi suất đang làm tổn thương các nhà sản xuất của chúng ta. Chúng ta nên có lãi suất thấp hơn Đức, Nhật Bản và tất cả nước khác. Chúng ta hiện tại, cho đến nay, là quốc gia lớn nhất và mạnh nhất, nhưng FED đặt chúng ta vào thế bất lợi cạnh tranh. Trung Quốc không phải là vấn đề của chúng ta, mà chính là Cục Dự trữ Liên bang. Dù gì thì chúng ta cũng sẽ giành chiến thắng".
FED sẽ còn một cuộc họp nữa vào tháng 12 này. Hiện tại, thị trường dự báo sẽ khó có thể có thêm một đợt giảm lãi suất nữa trong năm nay. Theo công cụ FedWatch Tool, xác suất dự báo FED giảm thêm 0,25% trong cuộc họp cuối cùng chỉ ở mức 8,1%, trong khi xác suất giữ nguyên lên đến 91,9%.