Fed trấn an về lạm phát, chứng khoán Mỹ tăng điểm
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khi kết thúc ngày giao dịch thứ Tư (14/7), sau khi lập kỷ lục nội phiên và giằng co mạnh trong suốt phiên. Nhà đầu tư đã nỗ lực cân bằng giữa một bên là nỗi lo lạm phát với một bên là những lời trấn an từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell về vấn đề này...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, dịch vụ tiện ích, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu là những nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng từ 0,9% mỗi nhóm. Trái lại, năng lượng là nhóm giảm mạnh hơn cả, với mức giảm khoảng 3%.
Chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục mang lại “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho nền kinh tế “cho tới khi sự phục hồi hoàn tất” – ông Powell nói trong ngày điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ trong kỳ điều trần thường niên về chính sách tiền tệ. Lời khẳng định này được ông Powell đưa ra sau khi lạm phát Mỹ tăng vọt gần đây khiến giới đầu tư lo ngại rằng Fed có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Trong phiên điều trần, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới tiếp tục khẳng định rằng việc lạm phát tăng mạnh chỉ là vấn đề tạm thời. Theo đó, ông đặt trọng tâm vào sự cần thiết của việc tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng việc làm.
Số liệu công bố hôm thứ Ba, một ngày trước cuộc điều trần của ông Powell, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn dự báo và là mức tăng lớn nhất trong 13 năm.
Ngoài nỗi lo lạm phát, nhà đầu tư ở Phố Wall trong những tuần gần đây còn lo rằng số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ có thể khiến thị trường sụt giảm từ ngưỡng kỷ lục hiện nay.
Một loạt ngân hàng lớn của Mỹ đã mở màn cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021, với doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn dự kiến. Giới phân tích dự báo lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty trong S&P 500 tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu từ Refinitiv.
Năm nay, S&P 500 đã tăng khoảng 16%, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng thị trường có thể sớm đuối sức. Trong bối cảnh như vậy, họ trông vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh này như một nguồn sức mạnh mới cho giá cổ phiếu.
“Ai cũng biết rằng lợi nhuận sẽ rất mạnh. Vấn đề là thị trường sẽ phản ứng thế nào với những con số lợi nhật đó, và triển vọng của những quý tiếp theo sẽ thế nào. Đó mới là điều quan trọng nhất”, chiến lược gia Tim Ghriskey của Inverness Counsel phát biểu.
Cổ phiếu Apple tăng 2,4%, đạt mức cao kỷ lục, sau khi hãng tin Bloomberg đưa tin “táo khuyết” muốn các nhà cung cấp tăng 20% sản lượng mẫu iPhone sắp ra mắt.
Cổ phiếu Microsoft tăng 0,5% và đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy sau khi “đế chế” phần mềm tuyên bố sẽ cung cấp hệ điều hành Windows như một dịch vụ dựa trên đám mây, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc truy cập vào các ứng dụng doanh nghiệp cần Windows trên nhiều thiết bị hơn.
Apple và Microsoft là hai cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng này của S&P 500.
Cổ phiếu Bank of America giảm 2,5% dù ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận tăng vọt. Nguyên nhân của sự sụt giảm nằm ở việc Bank of America đưa ra chi tiết về sự nhạy cảm của mình với lãi suất thấp.
Cổ phiếu Wells Fargo tăng 4% sau khi báo cáo tài chính cho thấy ngân hàng này đã chuyển từ lỗ sang lãi trong quý 2, vượt kỳ vọng của giới phân tích. Cổ phiếu Citigroup giảm 0,3% dù lợi nhuận quý 2 vượt dự báo.
Trước các ngân hàng này, hai nhà băng lớn khác của Mỹ là JPMorgan Chase và Goldman Sachs đã công bố báo cáo tài chính vào hôm thứ Ba, với lợi nhuận đều vượt dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,13%, đạt 34.933,43 điểm. S&P 500 tăng 0,12%, đạt 4.374,38 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,22%, còn 14.644,95 điểm.
Toàn thị trường có 9,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này, so với mức bình quân 10,5 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,32 lần số mã tăng; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,12 lần.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/fed-tran-an-ve-lam-phat-chung-khoan-my-tang-diem.htm