Fed vẫn tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %
Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Động thái này nhấn mạnh cam kết giảm lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ.
Sau cuộc họp chính sách được coi là "khó khăn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nhiều năm", cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ nhất trí tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Ngay sau thông tin, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 39,78 điểm, tương đương 0,12%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ tăng lần lượt 13,98 điểm (+0,35%) và 79,29 điểm (+0,67%).
Tính đến sáng 21/3, các thị trường kỳ hạn định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất là khoảng 80%.
Quyết tâm đối phó với lạm phát
Trước đó, giới quan sát cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp đang đứng trước một cuộc họp khó khăn nhất trong nhiều năm. Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát dai dẳng, hay tạm dừng nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008.
Để hạ nhiệt lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chẳng hạn chi phí đi vay cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng USD mạnh hơn, nhằm kìm hãm nhu cầu.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần tại Đồi Capitol mới đây, ông Jerome Powell đã cảnh báo lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm vào cuối năm 2022.
Ngay sau đó, ngân hàng Silvergate Capital - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa - công bố kế hoạch ngừng hoạt động và bắt đầu thanh lý tài sản hôm 8/3.
Giữa buổi sáng 10/3, Silicon Valley Bank (SVB) bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Giữa bê bối của SVB, thêm một ngân hàng nữa bị đóng cửa sau khi các khách hàng rút 20% tiền gửi. Đó là Signature Bank - ngân hàng lớn thứ 3 phá sản tại Mỹ.
Ra quyết định trong thế khó
Mới đây, ông Mohamed El-Erian - Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz - cho rằng Fed đang đối mặt với "bộ 3 bất khả thi". "Họ phải cùng lúc hạ nhiệt lạm phát, giảm thiểu những căng thẳng trong ngành ngân hàng và tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Rất khó để đạt được điểm cân bằng vì Fed đã vào cuộc quá muộn trong trận chiến với lạm phát", ông lập luận.
Sự sụp đổ của 2 ngân hàng khu vực tại Mỹ trong tháng này một phần do các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed. Lãi suất tăng lên kéo tụt giá trị của những trái phiếu kho bạc dài hạn. Do đó, các nhà băng gặp khó trong việc huy động tiền mặt để trả cho người gửi, thường là ngắn hạn.
Một số nhà kinh tế đã kêu gọi Fed tạm dừng tăng lãi suất để giảm thiểu thiệt hại cho ngành công nghiệp vốn đang lao đao.
Trước đó, giới đầu tư tin chắc rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này. Câu hỏi chỉ là ngân hàng trung ương nâng 0,25 hay 0,5 điểm phần trăm.
Bởi các dữ liệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang phát đi tín hiệu leo thang trở lại. Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 tháng.
Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân và doanh số bán lẻ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo. Tất cả chỉ ra ngân hàng trung ương Mỹ có thể giữ lập trường diều hâu lâu hơn nữa.
Ông Mohamed El-Erian tại Allianz tin rằng Fed nên phớt lờ mọi lời kêu gọi tạm dừng tăng lãi suất. "Vì điều này có thể tạo nên bất ổn", vị chuyên gia cảnh báo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fed-van-tang-lai-suat-them-0-25-diem-post1414486.html