Festival Áo bà ba – đánh thức những giá trị truyền thống của người dân miền Tây
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, sự kiện Festival Áo bà ba không chỉ đánh thức những giá trị truyền thống, mà còn là cơ hội để tỉnh lan tỏa những nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân miền Tây.
Ngày 6/9, tại TP Vị Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp báo thông tin về Festival Áo bà ba nhân dịp kỷ niệm 20 năm (1/1/2004 – 1/1/2024) ngày thành lập tỉnh Hậu Giang với chủ đề “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Festival sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày (từ 29/9 - 1/10) tại TP Vị Thanh với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ca nhạc, ẩm thực, triển lãm ảnh, thi vẽ tranh, diễu hành... Các hoạt động được chọn lọc mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, hơi thở văn hóa Nam Bộ.
“Chương trình trình diễn nghệ thuật về áo bà ba; Triển lãm ảnh áo bà ba từ xưa đến nay; Ẩm thực truyền thống Nam Bộ cùng các buổi biểu diễn đờn ca tài tử sẽ là điểm nhấn của sự kiện.
Festival Áo bà ba là sự kiện đầy ý nghĩa, không chỉ đánh thức những giá trị truyền thống, mà còn là cơ hội để tỉnh lan tỏa những nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân miền Tây, tạo nên những điểm nhấn thu hút du khách từ khắp nơi đến với đất phương Nam mến thương, để mỗi người đến thăm Hậu Giang", bà Ánh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông qua việc tổ chức Festival Áo bà ba, lãnh đạo tỉnh mong muốn đây là một sự kiện văn hóa góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Biến tơ khóm thành chất liệu áo bà ba
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 2.800 ha khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng trên vùng đất phèn của địa phương), ngoài việc thu hoạch trái, thì với diện tích khóm khá lớn, nguyên liệu để nghiên cứu dệt vải cũng là một lợi thế của Hậu Giang trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhà thiết kế Minh Hạnh thông tin, bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm kết hợp tơ tằm do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Nha Xá (tỉnh Hà Ham) thực hiện sẽ được trình diễn tại Festival Áo bà ba.
“Phát huy những thế mạnh của văn hóa dân tộc, đồng thời học hỏi những bản sắc tốt của các dân tộc khác để dân tộc mình có thể tương tác với nhiều nền văn hóa các nước, đó chính là tương lai của sự tiến bộ và hiện đại. Toàn cầu hóa về văn hóa phải được chú trọng song song với toàn cầu hóa về kinh tế", bà Minh Hạnh chia sẻ.