Financial Times: Các ngân hàng lớn ở Mỹ tràn ngập người gửi tiền sau sự sụp đổ của SVB

Tờ Reuters dẫn lại thông tin từ Financial Times hôm 14/3 cho hay một làn sóng người dân Mỹ đã quyết định rút tiền gửi khỏi các ngân hàng nhỏ để chuyển sang các nhà băng lớn như JPMorgan Chase & Co và Citigroup Inc, Bank of America… sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vừa qua.

Theo thông tin đăng tải trên Financial Times, những ngân hàng lớn đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền bằng cách tìm phương án đẩy nhanh quá trình đăng ký thông thường.

Nhìn chung, ngay cả khi Chính phủ Mỹ đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nhiều ngân hàng hơn do hiệu ứng tâm lý từ sự cố SVB, làn sóng người gửi tiền cố gắng chuyển tiền sang các ngân hàng lớn hơn hoặc các quỹ tiền tệ… vẫn đang tiếp tục.

Hiện cả JPMorgan, Citi và Bank of America đều không lên tiếng sau thông tin này, Reuters cho hay.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều ngân hàng khu vực ở Mỹ như First Republic Bank, Western Alliance và KeyCorp cũng đang trên đà trượt giá do lo ngại về nguy cơ sụp đổ hệ thống do hệ lụy từ sự cố SVB và Signature Bank.

 Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến sẽ đứng trước một quyết định khó khăn vào cuối tháng này, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 sắp được công bố đúng chỉ ít ngày sau sự cố SVB.

Trong những ngày qua, sau vụ việc SVB, Fed cùng với Bộ Tài chính Mỹ và FDIC đã phải đưa ra hàng loạt động thái can thiệp trong nỗ lực củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính, tránh hiệu ứng lan truyền gây ra nhiều sự sụp đổ hơn nữa. Cụ thể, cơ quan này tuyên bố sẽ khởi động chương trình cấp vốn mới, cho phép các ngân hàng trong nước vay hàng ngàn tỷ USD để có thêm nguồn lực đương đầu với các rủi ro tài chính sau vụ việc SVB sụp đổ.

Đồng thời, Fed cũng cho hay đang xây dựng một Chương trình tài trợ có kỳ hạn của ngân hàng (gọi tắt là BTFP) nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi bất ổn thị trường sau sự cố SVB. Cụ thể, chương trình này sẽ cung cấp các khoản vay có thời hạn lên tới 1 năm cho các nhà băng, tổ chức cho vay, hiệp hội tiết kiệm… nhằm giảm thiểu rủi ro mà họ phải đối mặt trong những trường hợp căng thẳng thanh khoản do hệ lụy của vụ việc SVB. Điều kiện để được tham gia chương trình này là các tổ chức phải đáp ứng đủ về tài sản cầm cố, có thể bao gồm trái phiếu kho bạc hay những tài sản hợp lệ khác. Dự kiến 25 tỷ USD sẽ được trích ra từ Quỹ ổn định hối đoái để tài trợ cho BTFP dưới sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, có thể thấy cổ phiếu của các nhà băng khu vực vẫn tiếp tục đà giảm và làn sóng rút tiền của người dân để chuyển sang các ngân hàng lớn vẫn đang diễn ra, như những gì mà Financial Times phản ánh trên đây.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư và các nhà kinh tế đã nhanh chóng thay đổi kỳ vọng của họ về con đường lãi suất sắp tới của Fed, dù rằng trước đó chỉ 1 tuần, người đứng đầu Fed đã gợi ý về khả năng đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và lựa chọn bước tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm có thể được đưa ra tại cuộc họp của Fed vào cuối tháng này.

Cụ thể, phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 3, trước khi SVB sụp đổ, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố Fed có khả năng sẽ phản ứng mạnh hơn nếu dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế là bền vững. Ông cảnh báo rằng Fed có thể cần đưa lãi suất cao hơn mức 5,1% - điểm cuối của con đường tăng lãi suất mà một số quan chức đã gợi ý hồi cuối năm ngoái - trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát khi nền kinh tế đang trong trạng thái tích cực.

Nhưng giờ đây, sau vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank, những dự báo của phố Wall về con đường tiếp theo của Fed đang bị chia rẽ xem liệu Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm như cuộc họp gần nhất, hay từ bỏ việc tăng lãi suất trong bối cảnh hệ thống ngân hàng nhiều biến động.. Có lẽ chính ông Powell và Fed giờ này cũng đang phải đối mặt một lựa chọn khó khăn, khi mà dữ liệu CPI sắp công bố của Mỹ vẫn cho thấy những tín hiệu lạm phát chưa hạ nhiệt.

Theo đó, các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo CPI của Mỹ tháng 2 có thể tiếp tục tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 0,4% so với tháng 1. Mặc dù con số này có hạ nhiệt nhẹ nếu so sánh với mức tăng 6,4% của tháng 1, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% cũng như vẫn nằm trong đà tăng.

Nếu không tính giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI cơ bản của Mỹ dự kiến tăng 5,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 0,4% so với tháng 1. Để so sánh, vào tháng 1, CPI cơ bản của Mỹ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/financial-times-cac-ngan-hang-lon-o-my-tran-ngap-nguoi-gui-tien-sau-su-sup-do-cua-svb.html