Financial Times: Mỹ muốn lập 'quan hệ thực tế' với chính quyền quân sự Niger
Mỹ thừa nhận mọi việc ở Niger 'không diễn ra như thường lệ' nhưng vẫn muốn tạo dựng mối 'quan hệ thực tế' với chính quyền quân sự cầm quyền sau đảo chính.
Theo tờ Financial Times, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Joe Biden về châu Phi – ông Judd Devermont cho biết Mỹ sẽ tạo dựng mối quan hệ “căng thẳng nhưng thực tế” với chính quyền quân sự Niger sau khi thừa nhận cuộc đảo chính hồi tháng 7 ở quốc gia Tây Phi này là việc đã rồi.
“Chúng tôi đang hợp tác với khu vực theo những cách phù hợp với luật pháp của mình để có thể tiếp tục đảm bảo rằng khu vực này được an toàn” – tờ Financial Times ngày 22-10 dẫn lời ông Devermont, giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói.
Ông Devermont đưa ra phát biểu trên tại sự kiện Sự kiện Hội nghị cấp cao châu Phi Financial Times 2023 do báo Financial Times tổ chức ở London (Anh) hôm 17-10. Đây là một diễn đàn thường niên quy tụ các doanh nghiệp, những người lập chính sách và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới nhằm bàn cách hỗ trợ các nước châu Phi định hướng đường lối ngoại giao và kinh tế đúng đắn cũng như quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả.
Các quốc gia vùng Sahel (phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi) như Guinea, Mali, Burkina Faso và Niger đã chuyển sang nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân sự trong thời gian gần đây. Việc mất đi các chế độ dân chủ đã hạn chế khả năng của Washington can dự vào Sahel, nơi các nhóm thánh chiến Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xâm nhập vào nhiều phần lãnh thổ và thực hiện nhiều cuộc tấn công gây chết người.
Ông Devermont cho biết mặc dù mọi việc ở Niger “không diễn ra như thường lệ” nhưng họ không thể đơn giản rời bỏ Niger. Mỹ duy trì hơn 1.000 binh sĩ và 2 căn cứ máy bay không người lái ở Niger với mục đích giám sát hoạt động của các chiến binh Hồi giáo trên khắp Sahel.
“Nếu chúng tôi rời Niger, đó không chỉ liên quan vấn đề an ninh của Niger. Nó còn liên quan những hậu quả đối với Ghana, Togo, Benin” – ông Devermont nói, đề cập các quốc gia ven biển tiếp giáp vùng Sahel đang bị đe dọa bởi sự lây lan của các nhóm khủng bố.
“Thật không may, đây là khu vực đang chứng kiến sự bành trướng thực sự của chủ nghĩa cực đoan. Và nó hiện đang tiến gần đến biên giới, nếu không muốn nói là tràn qua biên giới của các quốc gia ven biển (tiếp giáp Sahel)” - ông nói thêm.
Ông Devermont nói thêm rằng chủ nghĩa thực dụng của Mỹ không đồng nghĩa nước này chấp nhận các chính quyền quân sự ở châu Phi. Nhưng Washington thừa nhận thực tế là ngày càng có nhiều quốc gia nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự trong thời gian dài hơn.
“Đã xảy ra một cuộc đảo chính (ở Niger), chúng tôi có luật yêu cầu chúng tôi phải đình chỉ nhiều hoạt động và hỗ trợ của mình” - ông Devermont nói, đề cập việc đình chỉ khoản hỗ trợ và huấn luyện quân sự lên tới 600 triệu USD của Mỹ dành cho Niger.
“Nhưng chúng tôi mong muốn được làm việc với khu vực, với người Niger, để tìm ra sự chuyển đổi nhanh nhất có thể” – ông Devermont nhấn mạnh.
Quan điểm của Mỹ về Niger trái ngược với quan điểm của Pháp. Pháp đã cắt đứt quan hệ với chính quyền quân sự do Tướng Omar Tchiani lãnh đạo sau khi ông trục xuất đại sứ Pháp và ra lệnh cho 1.500 quân Pháp đồn trú ở Niger phải rời đi.
Pháp không công nhận chính quyền quân sự Niger - có tên gọi là Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc - và coi Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum, hiện đang bị quản thúc cùng vợ con tại dinh tổng thống ở thủ đô Niamey, là nhà lãnh đạo được bầu hợp pháp của Niger.
Chính quyền quân sự Niger hôm 19-10 cho biết đã ngăn chặn nỗ lực bỏ trốn của ông Bazoum cùng gia đình. Sự việc khiến Pháp quan ngại, nhưng một người thân của nhà Bazoum ngày 22-10 xác nhận ông này và vợ con “vẫn đang khỏe mạnh”, theo hãng tin AFP.