Financial Times: Việt Nam là 'miền đất hứa' với nhà đầu tư
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm chuyển mình mang tính quyết định, theo báo Anh Financial Times.
Bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những biến động của môi trường quốc tế, kinh tế Việt Nam (VN) đã đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2022, VN là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á với tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Bên cạnh đó, VN cũng là một trong số ít quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong hai năm liên tiếp (2021 và 2022).
Lợi ích từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng
Trong bài viết mới đây, báo Anh Financial Times nhận định VN là quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh các nhà sản xuất tìm cách “giảm thiểu rủi ro” giữa lúc cạnh tranh địa chính trị gia tăng. Ở một bài viết trước đó, cũng tờ báo này nhận định trong xu thế trên, VN nổi lên như một địa điểm điểm đầu tư tiềm năng nhờ vào sự phát triển kinh tế năng động.
VN là một nền kinh tế đang phát triển, ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế luôn là một mục tiêu quan trọng.
TS TRẦN THỊ HỒNG MINH,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
Trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn như Dell, Google, Microsoft và Apple đều dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang VN và đang tiếp tục tìm cách tăng cường xu hướng này. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN năm ngoái đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2023, VN tiếp tục là “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20-6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỉ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ năm 2022, tăng 3 điểm phần trăm so với năm tháng đầu năm.
Nền kinh tế VN ở bước ngoặt quyết định
Bài báo cũng nhận định trong những thập niên trở lại đây, tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo nhưng giờ đây, nền kinh tế VN mới thực sự ở bước ngoặt mang tính quyết định. Trong ngắn hạn, VN cần củng cố môi trường kinh doanh để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, VN cần phải tận dụng lợi thế tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.
Trong thập niên tiếp theo, Financial Times đề xuất VN cần nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các nhà sản xuất có kế hoạch đầu tư vào nước ta. VN có nhiều lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, song cạnh tranh về lao động có trình độ kỹ thuật cao ngày càng tăng. Hệ thống giáo dục VN vượt trội trên toàn cầu nhưng đào tạo nghề và các trường đh cần bước tiến mới. Hơn hết, hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước cần được nâng cấp.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, VN cần phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là nhận diện những thách thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Vào cuối những năm 1990, Malaysia và Thái Lan đã đi theo quỹ đạo tương tự của VN hiện nay nhưng họ đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, có nghĩa là các quốc gia này không thể chuyển đổi từ nền kinh tế có chi phí thấp sang nền kinh tế có giá trị cao, gây khó khăn cho việc cạnh tranh với các nước có thu nhập cao và cả các nước có thu nhập thấp.
Khi nền kinh tế VN tăng trưởng, tiền lương cũng sẽ tăng theo. Chính vì thế, đất nước không thể dựa mãi vào mô hình chi phí thấp. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cũng sẽ làm VN dễ bị tổn thương trước môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động. Theo thời gian, VN cần phải tăng cường hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế có năng suất cao hơn, giàu tri thức hơn, nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2045 của đất nước. Các ngành dịch vụ trụ cột như tài chính, logistics và dịch vụ pháp lý tạo ra việc làm có trình độ cao và gia tăng giá trị cho các ngành hiện có.
Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất VN cần hỗ trợ việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý và giảm bớt các rào cản đối với FDI trong lĩnh vực dịch vụ.•
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023
Tại hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế VN sáu tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” tổ chức hôm 10-7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra ba kịch bản dự báo về phát triển kinh tế VN trong nửa cuối năm 2023.
Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và VN duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023, xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2023 tăng 3,43% và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỉ USD.
Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở VN. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023, xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%, chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87% và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỉ USD.
Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở VN, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023, xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%, chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39% và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỉ USD.
(Theo ciem.org.vn)
Nguồn PLO: https://plo.vn/financial-times-viet-nam-la-mien-dat-hua-voi-nha-dau-tu-post741869.html