Fintech cần nền tảng để phát triển

Fintech gia tăng kênh tiếp cận tài chính cho người dân bằng công nghệ số

T heo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, tính đến giữa năm nay, Việt Nam có khoảng hơn 150 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) và 70% trong số đó là các công ty khởi nghiệp. Đây là sự phát triển khá ngoạn mục.

Sớm có hành lang pháp lý

Tại hội nghị Toàn cảnh Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (VIO) 2019 chủ đề "Định hình tương lai fintech Việt Nam" diễn ra ở TP HCM mới đây, các chuyên gia công nghệ cho biết thị trường fintech Việt Nam bắt đầu phát triển và nở rộ trong vài năm nay. Dịch vụ phát triển nở rộ nhưng hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán, ví điện tử…

Bên cạnh thanh toán qua ví điện tử, khách hàng trải nghiệm tính năng định danh điện tử (eKYC) bên lề VIO 2019

Bên cạnh thanh toán qua ví điện tử, khách hàng trải nghiệm tính năng định danh điện tử (eKYC) bên lề VIO 2019

Theo thống kê, các đơn vị cung cấp dịch vụ fintech đang phát triển trong lĩnh vực tài chính công nghệ; xác thực người dùng eKYC áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học, blockchain, big data (thu thập và phân tích dữ liệu lớn)... Trong đó, công nghệ eKYC (định danh điện tử khách hàng) được đánh giá là cần thiết trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam. Hiện nhiều DN trong các lĩnh vực đã bắt đầu áp dụng công nghệ này.

TS Lê Đức Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, cho rằng cùng với các ngân hàng truyền thống cung cấp dịch vụ thanh toán số, sự tham gia của các công ty fintech làm cho thị trường này rất sôi động. Dù vậy, thử thách đối với nhà quản lý là làm sao thúc đẩy sự cạnh tranh, điều tiết thị trường thông qua chính sách, quy định phù hợp.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông (VNPT Media), nhận xét fintech ứng dụng mô hình kinh doanh có những công nghệ rất mới nhưng vẫn cần công nghệ nền tảng để hệ sinh thái này phát triển bền vững, như công nghệ liên quan đến xác thực, bảo mật...

TS Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp, tích hợp hệ thống VNPT - cho biết để ứng dụng rộng rãi những công nghệ này, cần xây dựng và hoàn thành quy định về định danh điện tử; chuẩn bị và xây dựng các hệ thống quản lý, cung cấp, xác thực thông tin định danh IDP. Đồng thời, xây dựng các cơ sở dữ liệu định danh cấp quốc gia. Xác định vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan từ quản lý nhà nước, DN chủ đạo... về việc hình thành cơ sở dữ liệu định danh dùng chung cấp quốc gia, vai trò quản lý nhà nước đối với việc xác lập và chia sẻ thông tin định danh.

Sớm có cơ chế thử nghiệm

Nhà nước hiện cũng có nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa trong lĩnh vực ngân hàng nhằm phổ cập tài chính - đã xác định trong dự thảo Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Việc Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thông tư quy định về kết nối ngân hàng mở (Open API) cũng sẽ tạo cú hích cho fintech kết hợp với ngân hàng truyền thống để bứt phá.

Mô hình kinh doanh của fintech Việt Nam có xu hướng chủ yếu là hợp tác với các ngân hàng - chiếm tới 72%, dịch vụ mới hoàn toàn của riêng fintech hoặc chia sẻ theo mô hình cùng hợp tác mới - chiếm 14%. Dự kiến, doanh thu từ các fintech năm 2019 đạt khoảng 9 tỉ USD. Fintech thúc đẩy diện mạo mới của các ngân hàng trong phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng kênh tiếp cận tài chính cho người dân bằng công nghệ số.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị nhà nước cần nhanh chóng có một cơ chế thử nghiệm cho fintech Việt Nam. Đề án Cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã được trình Chính phủ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, gia tăng phổ cập tài chính; các điều kiện được xem xét cho phép thử nghiệm; đồng thời, giới hạn thời gian thử nghiệm, phạm vi không gian điều chỉnh cũng như hạn mức cung ứng dịch vụ và số lượng khách hàng được phép cung cấp trong quá trình thử nghiệm.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Chính phủ và các bộ - ngành cần sớm phê duyệt đề án để Ngân hàng Nhà nước có cơ sở tham mưu ra nghị định; hợp tác về số hóa dữ liệu dân cư (eKYC) và số liệu về nền kinh tế giữa các bộ - ngành...

Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao về việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trung tâm này sẽ là nơi các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và DN Việt Nam cùng các chuyên gia trong mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của WEF trên toàn cầu nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy những ứng dụng công nghệ như AI, chuỗi khối, quản trị dữ liệu, thương mại số... Tham gia hoạt động tại trung tâm này, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, DN công nghệ quan tâm đến fintech sẽ có điều kiện phát triển những khung chính sách thuận lợi cho fintech.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/fintech-can-nen-tang-de-phat-trien-20191109223002984.htm