Fintech, công ty chứng khoán nhập nhèm huy động tiền gửi
Giao dịch chứng khoán bùng nổ, dư nợ cho vay margin kỷ lục khiến nhiều công ty chứng khoán lách cửa huy động vốn với lãi suất cao gấp hàng chục lần lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng.
Giao dịch chứng khoán bùng nổ, dư nợ cho vay margin kỷ lục khiến nhiều công ty chứng khoán lách cửa huy động vốn với lãi suất cao gấp hàng chục lần lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng.
Bóng dáng công ty chứng khoán sau hàng loạt fintech huy động vốn
Chị Trần Thị Thanh Hà, kế toán Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nhất Nam cho hay, gần đây, chị nhận được lời mời chào của một ứng dụng di động T. về sản phẩm tiết kiệm với lãi suất gửi không kỳ hạn là 6,8%/năm, lãi suất có kỳ hạn là 7-7,5%/năm, nhận gửi từ khoản rất nhỏ là 50.000 đồng.
“Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng chỉ có 0,1%/năm, nhưng ứng dụng này trả lãi 6,8%/năm, cho phép rút bất kỳ lúc nào, lại được cam kết bảo toàn vốn, nên tôi đang phân vân cân nhắc”, chị Hà cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ứng dụng này không có chức năng huy động vốn từ cá nhân, mà chỉ đứng ra kết nối các khoản tích cóp nhỏ lẻ của nhà đầu tư đến các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán như Mirae Asset Securities, FPT Capital, Techcombank Securities.
Tương tự, gần đây, nhiều khách hàng của ví điện tử MoMo ngạc nhiên vì được kết nối với Túi Thần tài. Theo đó, chỉ cần thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản ví MoMo hoặc ngân hàng liên kết đến Túi, khách hàng sẽ nhận được lợi nhuận mỗi ngày với lãi suất 4,5%/năm và có thể rút tiền bất kỳ lúc nào (không kỳ hạn). Lãi suất này cao gấp 45 lần so với lãi suất không kỳ hạn tại các ngân hàng hiện nay (0,1%/năm).
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, Túi Thần tài là một sản phẩm của Công ty cổ phần Finsight, MoMo chỉ là nền tảng tích hợp. Nguồn tiền từ Túi Thần tài sẽ được Finsight chuyển đến đơn vị quản lý đầu tư là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt (công ty con của Công ty Chứng khoán Thiên Việt) để đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp… Theo giới thiệu của MoMo, đã có 145.000 khách hàng của ví điện tử này sử dụng Túi Thần tài.
Công ty Chứng khoán Thiên Việt là một trong 3 cổ đông của Finhay - một fintech khác cũng đang tích cực huy động tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân mấy năm qua. Từ giữa năm 2020, các sản phẩm tiết kiệm của Finhay được đổi tên thành tích lũy, song bản chất sản phẩm hầu như không thay đổi. Theo đó, gửi tiền không kỳ hạn vào Finhay, khách hàng nhận lãi suất 4%/năm; còn gửi tiền kỳ hạn 3 tháng, lãi suất sẽ là 6%/năm, cao gấp đôi lãi suất ngân hàng.
Theo Finhay, số tiền của khách hàng sẽ được chuyển tới các quỹ đầu tư tài chính tại Việt Nam (bao gồm quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục), được sử dụng để đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu, trả về cho nhà đầu tư một số chứng chỉ quỹ (CCQ), tương ứng số tiền mà khách hàng đã đầu tư. Nếu quỹ hoạt động tốt, chứng chỉ quỹ của khách hàng sẽ có giá trị cao hơn và ngược lại.
Không chỉ đi đường vòng, đứng sau các fintech để huy động vốn, nhu cầu cho vay margin tăng mạnh khiến thời gian qua, rất nhiều công ty chứng khoán đã trực tiếp đưa ra các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh mà bản chất chính là huy động vốn, trả lãi tiết kiệm cho nhà đầu tư cá nhân. Mới đây, Bộ Tài chính đã tuýt còi Công ty Chứng khoán MB (MBS) và VNDirect về hoạt động huy động vốn trá hình.
Siết kẽ hở về huy động vốn và ủy thác đầu tư
Thị trường chứng khoán bùng nổ, thanh khoản cao kỷ lục đang hút mạnh mẽ dòng tiền. Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán quý I/2021 cho thấy, dư nợ cho vay margin toàn thị trường đã đạt xấp xỉ 110.000-120.000 tỷ đồng, nhiều công ty chứng khoán ngấp nghé vượt trần.
Trong bối cảnh khát vốn kinh doanh, việc công ty chứng khoán tìm mọi cửa huy động vốn là điều dễ hiểu. Tuy vậy, việc các công ty chứng khoán huy động vốn có trái luật hay không đang gây tranh cãi.
Một số chuyên gia cho rằng, theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân. Việc các fintech hay công ty chứng khoán huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân là trái luật. Một số fintech dù chỉ là trung gian gọi vốn cho các quỹ đầu tư, song lại miêu tả sản phẩm giống như sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng cũng là một hành vi lách luật.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Luật Chứng khoán 2019 không có quy định nào cấm công ty chứng khoán vay tiền từ khách hàng với tư cách là một doanh nghiệp, chỉ quy định tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 5 lần.
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng quy định, cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng không được nhận tiền gửi từ cá nhân, song theo ông Đức, quy định này không chính xác và rõ ràng. Quy định trên chỉ áp dụng với tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ (gửi tiền và cho vay), không áp dụng chung với tất cả doanh nghiệp. Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đầu tư (2020) đều cho phép cá nhân, pháp nhân có quyền “nhận tiền gửi” dưới hình thức “vay vốn”.
Theo các chuyên gia, hình thức mà công ty chứng khoán, fintech đang huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân hiện nay giống ủy thác đầu tư. Dù vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Dương (Công ty Luật Dương gia), pháp luật Việt Nam hiện nay về hoạt động ủy thác đầu tư chưa quy định chặt chẽ và xuất hiện nhiều kẽ hở.
Hiện vẫn còn tranh cãi về việc các fintech, công ty chứng khoán huy động vốn từ khách hàng cá nhân để phục vụ mục đích đầu tư tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi…) có hợp pháp hay không. Song rõ ràng, việc nhập nhèm giữa tiết kiệm với ủy thác đầu tư đang gây nhầm lẫn với người dùng. Do đó, các quy định về huy động vốn và ủy thác đầu tư cần siết chặt hơn nữa.
Cảnh báo các công ty lách luật huy động vốn là đúng, nhưng xử phạt thì không nên, vì phải căn cứ vào quy định pháp luật. Pháp luật hiện nay tù mù, chồng chéo, nên việc xử phạt các công ty chứng khoán hay fintech lách luật huy động vốn, theo tôi, là không thuyết phục. Tất cả những gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được phép làm. Còn nếu doanh nghiệp kinh doanh những hoạt động không nằm trong danh mục cấm, mà cơ quan quản lý thấy rủi ro, mất an toàn cho người dùng, thì là do luật “hổng” và phải sửa luật trước rồi mới tính đến xử phạt doanh nghiệp.