'Flight shame' - vì sao nhiều người xấu hổ khi đi máy bay?

Flight shame được dịch ra từ thuật ngữ flygskam trong tiếng Thụy Điển.

Flight shame /ˈflaɪt ʃeɪm/ (danh từ): Xấu hổ khi đi máy bay.

Định nghĩa:

Oxford Dictionary định nghĩa flight shame là cảm giác ngại hoặc không thoải mái khi di chuyển bằng đường hàng không do nghĩ rằng máy bay thải ra các chất gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Năm 2017, ca sĩ người Thụy Điển Stafan Lindberg đã đặt ra thuật ngữ "flygskam" để nói về cảm giác xấu hổ khi bay. Thuật ngữ này sau đó được dịch ra tiếng Anh là flight shame.

Được biết, trong năm đó, Lindberg đã cam kết từ bỏ việc di chuyển bằng máy bay vì lo ngại lượng khí thải do máy bay tạo ra sẽ khiến việc biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Sau khi thuật ngữ flight shame ra đời, nhiều người bắt đầu theo đuổi trào lưu từ bỏ hoặc hạn chế đi máy bay để bảo vệ môi trường. Theo CBS News, năm 2019, theo một khảo sát với 6.000 người sống tại Mỹ, Pháp, Anh và Đức, 1/6 người làm khảo sát cho biết họ đã giảm việc di chuyển bằng máy bay.

Tại Thụy Điển, lượng hành khách ngành hàng không cũng giảm 5% vào năm 2019, trong khi lượng người di chuyển bằng đường sắt lại tăng lên, theo The Guardian.

Ứng dụng của flight shame trong tiếng Anh:

- If flight shame were to spread, or perhaps even become a full-fledged environmental movement, the growth in airline passengers could be cut in half.

Dịch: Nếu cảm giác xấu hổ khi đi máy bay trở nên phổ biến, hoặc thậm chí trở thành một phong trào môi trường, số lượng khách đi máy bay có thể giảm một nửa.

- Flight shame could hurt airlines as travelers shun air travel.

Dịch: Cảm giác xấu hổ khi đi máy bay có thể khiến các hãng hàng không tổn hại vì du khách xa lánh việc đi máy bay.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/flight-shame-vi-sao-nhieu-nguoi-xau-ho-khi-di-may-bay-post1358812.html