FO gia tăng mạnh, doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm lao động

Sau kỳ nghỉ dài ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thành kịp thời các đơn hàng đã thỏa thuận ký kết trong quý I/2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng FO tăng mạnh, dù đã triển khai nhiều hình thức tuyển dụng nhưng đến nay, nhiều DN vẫn không tuyển đủ số lao động, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn về vị trí, yêu cầu việc làm của một số DN trên địa bàn tỉnh cho người lao động

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn về vị trí, yêu cầu việc làm của một số DN trên địa bàn tỉnh cho người lao động

Ngay sau Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội (Phúc Yên) có nhu cầu tuyển dụng 100 lao động để đáp ứng nhu cầu phục hồi và mở rộng sản xuất với mức thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, dù đã thông báo tuyển dụng trên nhiều hình thức, đến gần hết tháng 2/2022, công ty mới chỉ tuyển được 15 lao động.

Tương tự, Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Vĩnh Thịnh, xã Kim Long (Tam Dương) có nhu cầu cần tuyển hơn 600 lao động sau dịp Tết, thế nhưng, sau gần 3 tuần, công ty mới chỉ tuyển được 10 người, con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế để duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD).

Vừa thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa phải mở rộng quy mô sản xuất, vì vậy, các DN loay hoay ra sức tuyển từ vài trăm đến hàng nghìn lao động, điển hình như công ty TNHH Compal Việt Nam, KCN Bá Thiện (Bình Xuyên) cần tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Mansa Việt Nam, phường Tiền Châu (Phúc Yên) có nhu cầu tuyển dụng 510 lao động; Công ty TNHH sản xuất Hàng may mặc Việt Nam (TAL), KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) cần tuyển 200 lao động; Công ty TNHH SY Vina (xã Hoàng Đan, Tam Dương) cần tuyển 100 lao động...

Điểm chung của các công ty đối với lao động trong thời điểm này là không yêu cầu tay nghề, khi vào công ty sẽ được đào tạo cùng nhiều chế độ lương, thưởng hấp dẫn.

Yêu cầu là vậy song việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do nguồn lao động bị thiếu hụt bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và số một địa phương lân cận đang diễn biến phức tạp với số lượng hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày, nhiều công nhân có trẻ nhỏ đi học nhiễm bệnh và lây lan ra cả gia đình. Thêm vào đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều lao động ngoại tỉnh trở về quê ăn Tết và không quay lại làm việc.

Chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Vĩnh Thịnh, xã Kim Long (Tam Dương) chia sẻ: "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng công nhân phải tạm thời nghỉ do mắc bệnh và là F1 thực hiện cách ly tại nhà của công ty hơn 100 người; đồng thời, dịch bệnh đã tác động rất lớn đến nhu cầu thay đổi nơi làm việc của lao động ngoại tỉnh, họ về quê và không trở lại làm việc, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Dù đã đăng tải thông tin tuyển dụng trực tiếp và qua nhiều trang, hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội, liên hệ với các địa phương, thậm chí có thêm chế độ cho người giới thiệu, nhưng, số lượng lao động tuyển dụng được của công ty rất "nhỏ giọt", khó có thể hoàn thành theo yêu cầu, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất ở DN trong thời điểm này".

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh thuộc Sở LĐ-TB&XH, sau dịp Tết Nguyên đán 2022, có 35 DN đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm với nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động, mức lương dao động từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Phùng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm và Thông tin thị trường lao động (Trung tâm DVVL) hiện nay, việc tìm người lao động cho DN đang là vấn đề khó khăn của Trung tâm khi số người đến tìm việc ít, nhu cầu lao động của DN khá lớn, nhất là lao động trẻ.

Việc tuyển dụng lao động có tay nghề khó đã đành nhưng tuyển dụng lao động phổ thông cũng không dễ dàng.

Để hỗ trợ các DN, trung tâm đã tổ chức các sàn giao dịch việc làm; đồng thời, tăng cường phối hợp, kết nối với các địa phương trong tỉnh và các địa phương lân cận như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các DN thông qua cả 2 hình thức trực tuyến và online.

Đơn cử như huyện Vĩnh Tường, để hỗ trợ các DN sớm ổn định SXKD, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và người lao động có nhu cầu việc làm nắm bắt được thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các DN, UBND huyện đã đề nghị Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện đăng tải nội dung và danh sách các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động lên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử huyện; yêu cầu UBND các xã, thị trấn thông báo trên hệ thống truyền thanh của địa phương và công khai tại trụ sở UBND, nhà văn hóa, tổ dân phố.

Mặc dù vậy, đến nay, kết quả vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các công ty, DN mong muốn trong thời gian tới, tỉnh và các sở, ngành chức năng tiếp tục có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực để thu hút thêm nhiều lao động đến tỉnh làm việc, giúp DN ổn định nguồn lao động, phục hồi và mở rộng quy mô SXKD trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74179/fo-gia-tang-manh-doanh-nghiep-%E2%80%9Cdo-mat%E2%80%9D-tim-lao-dong.html