Forever 21 nộp đơn xin bảo hộ phá sản, tháo chạy khỏi 40 quốc gia
Đại gia 'thời trang nhanh' Forever 21 nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 29/9 và cho biết sẽ đóng 178 cửa hàng ở Mỹ, đồng thời ngừng hoạt động ở 40 quốc gia.
Theo CNBC, Forever 21 cho biết đã nhận được 275 triệu USD từ JPMorgan Chase và 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners để hỗ trợ hoạt động trong thời gian xin bảo hộ phá sản. Chuỗi thời trang nhanh đã nộp đơn xin đóng cửa 178 cửa hàng tại Mỹ.
Forever 21 có khoảng 815 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, hãng cho biết sẽ ngừng hoạt động ở 40 quốc gia tại châu Âu và châu Á, bao gồm Canada và Nhật Bản. Dù vậy, Forever 21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành trang web và hàng trăm cửa hàng tại Mỹ, cũng như các cửa hàng ở Mexico và Mỹ Latinh.
Như vậy, Forever 21 là cái tên mới nhất trong danh sách các nhà bán lẻ - bao gồm Barneys và Matter Firm - nhờ đến luật bảo hộ phá sản để thu hẹp hoạt động nhằm cắt lỗ. Xu thế mua sắm online đã gây áp lực lớn lên các chuỗi bán lẻ có hệ thống cửa hàng quá lớn và tốn kém.
"Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi tái cấu trúc, Forever 21 sẽ là trở nên vững mạnh hơn", CNBC dẫn lời Phó chủ tịch Forever 21 Linda Chang tuyên bố.
Giới quan sát nhận định cũng giống như nhiều hãng bán lẻ thời trang khác, Forever 21 đầu tư quá nhiều vào hệ thống cửa hàng tốn kém trên toàn cầu và không kịp thích ứng với xu thế mua sắm online.
Thống kê của Coresight Research cho thấy trong năm nay, các hãng bán lẻ tại Mỹ tuyên bố đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, tăng mạnh so với mức 5.589 cửa hàng của năm ngoái. Payless và Gymboree đều nộp đơn xin bảo hộ phá sản và đóng cửa gần 3.000 cửa hàng.
Các đại gia như Zara hay H&M cũng gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 6/2017, giá cổ phiếu Inditex - công ty mẹ của Zara - sụt 27%, trong khi giá cổ phiếu H&M giảm 23%.