Founder Vũ Phương Thủy: Kể với thế giới về vẻ đẹp của tinh hoa truyền thống

Từ nghề thủ công đến tác phẩm nghệ thuật, khi giá trị truyền thống kết hợp với nghệ thuật đương đại, đó là hành trình khởi nghiệp của một phụ nữ vốn là nhà báo...

Founder Vũ Phương Thủy tại Duyên Boutique.

Trong không gian xinh đẹp của Duyên Boutique, chị Vũ Phương Thủy say mê giới thiệu với chúng tôi về từng chiếc khăn.

Khăn để quàng cổ làm duyên, khăn có thể biến tấu thành chiếc áo, khăn buộc trên tóc và cả khăn lồng khung treo trên tường như một tác phẩm art-décor…

Mỗi tấm khăn Duyên chính là một câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh chắt lọc từ quá khứ, như tranh “Chim công” của Hàng Trống, “Lý ngư vọng nguyệt” hay “Lợn độc” Kim Hoàng… Khăn Duyên mang đến cho những tác phẩm thủ công truyền thống một đời sống mới, vừa hiện đại vừa gần gũi, vừa xa xỉ nhưng lại như một tấm danh thiếp về văn hóa.

KHỞI NGUỒN TINH HOA TỪ QUÁ KHỨ

Được biết chị từng có một thời gian dài làm công việc của một phóng viên, biên tập viên truyền hình. Vậy vì sao chị lại chuyển hướng sang lĩnh vực rất khác biệt là kinh doanh?

Khi bước vào con đường kinh doanh, tôi vẫn luôn mang suy nghĩ của một nhà báo đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực văn hóa. Khi còn làm phóng viên tại Đài truyền hình Hà Nội và truyền hình VTC, tôi đã có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những người làm nghề thủ công truyền thống, chuyển tải tới khán giả những chủ đề về văn hóa dân gian. Tôi đặc biệt yêu thích những nét văn hóa truyền thống của nước mình, và luôn mong muốn được lan tỏa tình yêu đó đến với thật nhiều người. Vì vậy, cho dù là trong vai trò phóng viên trước kia, hay người làm kinh doanh hiện nay, thì tôi vẫn nghĩ vai trò đúng nhất của tôi là “người kể chuyện”, chỉ là bằng cách này hay cách khác mà thôi.

Vậy với lĩnh vực thiết kế - kinh doanh khăn lụa mà chị theo đuổi, chị đang muốn kể câu chuyện gì?

Tinh hoa văn hóa Việt là điều luôn cuốn hút tôi. Tôi nhận thấy ở đó sự phóng khoáng, hào sảng của người Việt. Đó không phải là nét đẹp mang tính chất kiêu sa bóng bẩy mà xa vời. Những nét vẽ trong tranh dân gian, những hoa văn, đường nét của bình, lọ gốm vẫn ẩn chứa sự “mộc” nhưng vẫn tinh tế vừa đủ để ta cảm thấy hồn hậu, ấm áp, gần gũi và rất sinh động. Đó chính là tinh thần tôi muốn chuyển tải trong những chiếc khăn lụa Duyên.

Nói một cách ngăn gọn, chị muốn đưa văn hóa truyền thống vào trong đời sống đương đại thông qua những vật dụng thiết thực? Nhưng tại sao là là khăn mà không là quần áo, cà-vạt…?

Bạn hãy ngắm nhìn những chiếc khăn của tôi, bạn có thấy nó có phong cách riêng không? Tôi cũng hay được hỏi tại sao không mở rộng, thêm các sản phẩm khác vào cho phong phú, lại dễ bán. Thật ra không phải là chọn loại sản phẩm nào là đúng hay loại nào là sai, cũng không phải kinh doanh một thứ là đúng mà kinh doanh tổng hợp là sai. Nhưng tôi muốn khi người ta nói đến khăn lụa là nói đến khăn Duyên, khi nói đến tôi là nói đến Duyên.

Founder Vũ Phương Thủy

Tinh hoa văn hóa Việt là điều luôn cuốn hút tôi. Tôi nhận thấy ở đó sự phóng khoáng, hào sảng của người Việt. Những nét vẽ trong tranh dân gian, những hoa văn, đường nét của bình, lọ gốm vẫn ẩn chứa sự “mộc” nhưng vẫn tinh tế vừa đủ để ta cảm thấy hồn hậu, ấm áp, gần gũi và rất sinh động. Đó chính là tinh thần tôi muốn chuyển tải trong những chiếc khăn lụa Duyên.

Và thế là chúng ta có được “Câu chuyện tình của tinh hoa di sản và sáng tạo” đúng không? Vì có slogan của thương hiệu có yếu tố “chuyện tình” nên tên thương hiệu được đặt là “Duyên” chăng?

Không biết trong các ngôn ngữ khác thì chữ Duyên có nhiều hàm ý hay không, nhưng trong tiếng Việt thì như bạn biết đấy, chữ Duyên mang nhiều ý nghĩa rất hay. Tôi chọn chữ Duyên bởi theo tôi, nét Duyên làm người ta lưu luyến hơn là cái Đẹp đơn thuần. Như trong những bức tranh dân gian, cái duyên đã có sẵn trong cách làm, trong mầu sắc, trong ý nghĩa rồi. Chúng tôi sẽ là người kết duyên cho tinh hoa từ quá khứ ấy với sự sáng tạo mang tính đương đại của ngày hôm nay. Tài khéo của người nghệ nhân xưa sẽ được sánh đôi cùng sự bay bổng của người nghệ sĩ thời đại này...

ĐI CHẬM LÀ CÁCH PHÙ HỢP VỚI SẢN PHẨM CAO CẤP

Chị có học qua một trường lớp về thiết kế hay kinh doanh nào không? Bởi vì muốn bắt tay vào làm cái gì thì ta phải hiểu rõ về nó…

Trong thời đại mở như hiện nay, theo tôi, chúng ta không nhất thiết bắt đầu từ một kỹ năng nào đó của bản thân. Cái chúng ta cần có là giá trị, là ý tưởng cốt lõi. Và những người bạn đồng hành đúng sẽ giúp ta đi xa hơn. Một mình ta thì làm được 1 việc, nhưng có thêm 1 người đồng hành giá trị, thì 2 người không chỉ làm được 2 và sẽ là 3 - 4 việc. Trong mảng khăn lụa Duyên, tôi là người nắm giữ tinh thần, cái hồn cốt của thương hiệu, và đường hướng phát triển. Còn những người đồng hành cùng tôi giúp tôi hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm thực tế.

Chị đã tìm được team đồng hành cùng mình như thế nào để có được một đội ngũ gồm nhiều thành phần, vai trò khác nhau?

Chị đã tìm được team đồng hành cùng mình như thế nào để có được một đội ngũ gồm nhiều thành phần, vai trò khác nhau?

Quan điểm của tôi là tính thích hợp quan trọng hơn một hồ sơ xuất sắc. Điều này rất phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ, startup. Số lượng nhân sự của tôi không nhiều, nhưng có tính đa nhiệm và linh hoạt cao. Đừng chờ đợi lập một bộ máy đầy đủ rồi mới bắt đầu. Cũng đừng chọn những người có một lịch sử vị trí công việc cao nhưng chỉ chọn làm theo đúng mô tả công việc, hoặc đặt ra nhiều điều kiện. Bởi ta cần người đồng hành, cần một ekip đi cùng nhau chứ không phải một tổ chức doanh nghiệp hoành tráng.

Thời gian đầu kinh doanh, chị gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Covid-19 có phải là một cú shock với chị không, khi sản phẩm của Duyên – vốn dễ được lòng khách du lịch quốc tế - lại phải chịu cảnh im ắng do du lịch đóng băng?

Kinh doanh một lĩnh vực không mới là khăn lụa thì khó khăn thì không thể tránh khỏi. Nhưng cách đi chậm, chăm chút vào sản phẩm, để khách hàng có thời gian cảm nhận, trải nghiệm, yêu mến và gắn bó với thương hiệu thì vẫn là con đường phù hợp với một sản phẩm cao cấp như khăn Duyên. Mặt khác, làm với lụa, in trên lụa, khâu viền bằng tay, toàn là những công đoạn rất cầu kỳ khó làm. Tôi đã phải trả giá cho phần thử nghiệm sản phẩm khá nhiều. Sản phẩm in không đạt, in bị lỗi nhiều, thậm chí có cả dòng sản phẩm làm xong rồi lại thu hồi lại vì khi dùng thử không như ý.

Về khách hàng, đúng như bạn nói, khách quốc tế là đối tượng phù hợp với những sản phẩm mang yếu tố văn hóa như thế này. Covid-19 đã khiến thị trường hơn một năm qua trở nên im ắng, thì cũng có thể khiến tiếng nói của mình dễ được lắng nghe hơn. Âu đó cũng là cơ hội.

Nhưng khăn Duyên trước tiên là một phụ kiện thời trang. Tôi tin rằng lượng khách hàng nội địa muốn tìm kiếm một sản phẩm thời trang thể hiện được phong cách sống có gu cũng rất đáng kể. Và đó cũng chính là đối tượng khách hàng của khăn Duyên.

Một doanh nhân trẻ mà tôi từng phỏng vấn đã từng nói: kinh doanh những sản phẩm có yếu tố văn hóa khá là khó khăn, vì có nhiều công đoạn lắt nhắt tỉ mỉ mà mình phải trực tiếp nhúng tay vào, không đơn giản là mua đi bán lại một món đồ để kiếm lời. Do đó, muốn bắt đầu thì trước tiên phải có đủ đam mê…

Điều này là hoàn toàn đúng. Tôi rất chia sẻ điều mà bạn doanh nhân trẻ đó trăn trở. Mặt khác, tôi nghĩ tôi và bạn ấy cùng nhận thức ra một điều là những sản phẩm có giá trị văn hóa, những sản phẩm thủ công cần phải được làm một cách kỹ lưỡng và được đặt ở vị trí sản phẩm cao cấp. Nếu chúng ta làm ra được những phẩm có hàm lượng chất xám, sáng tạo và sự công phu cao, thì khi ấy, ta và khách hàng không còn ở vị trí người bán và người mua, mà là những người chia sẻ cùng một niềm đam mê.

Nếu được miêu tả về sản phẩm của mình, thì đâu là những yếu tố chị tâm đắc nhất? Lụa 100% tự nhiên, được khâu viền thủ công bằng tay, hay hình ảnh hội họa chắt lọc từ quá khứ?

Nếu được miêu tả về sản phẩm của mình, thì đâu là những yếu tố chị tâm đắc nhất? Lụa 100% tự nhiên, được khâu viền thủ công bằng tay, hay hình ảnh hội họa chắt lọc từ quá khứ?

Điều tôi và ekip tự hào nhất chính là cái duyên của khăn Duyên! Chúng tôi không phải là người đầu tiên làm khăn lụa. Chúng tôi không phải thương hiệu khăn lụa viền khâu tay đầu tiên. Chúng tôi cũng không phải nơi duy nhất đưa họa tiết truyền thống vào sản phẩm. Nhưng hãy ngắm từng mẫu thiết kế của chúng tôi, xem chúng tôi biến hóa như thế nào từ các hoa văn của quá khứ, cảm nhận cách chúng tôi thổi hồn đương đại vào sản phẩm, nghe chúng tôi kể ý nghĩa từng chiếc khăn. Có rất nhiều yếu tố không thể công thức hóa làm nên tinh thần của khăn Duyên.

ĐỪNG KHỞI NGHIỆP CHỈ VÌ ĐAM MÊ

Khách hàng của chị sẽ là những phụ nữ như thế nào?

Những người chọn khăn Duyên là những người tìm kiếm không chỉ một sản phẩm đẹp, chất lượng, mà còn thích thú với câu chuyện của Duyên. Khi họ dành thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của nghệ thuật dân gian Việt Nam được kể thông qua những chiếc khăn Duyên, tức là họ trước tiên là quan tâm, sau đó là dành sự trân trọng tới những điều thuộc về giá trị văn hóa, giá trị sống. Và tôi tin rằng, nếu họ chọn một chiếc khăn Duyên vì ý nghĩa của nó, họ chắc chắn sẽ muốn chia sẻ với người khác về lý do lựa chọn của họ. Và vậy là họ cũng trở thành người lan tỏa giá trị truyền thống giống như tôi.

Sau khăn lụa sẽ là sản phẩm gì tiếp theo? Chị kỳ vọng gì ở thị trường sản phẩm có yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam?

Hiện giờ tôi đang toàn tâm toàn ý với khăn lụa Duyên. Tôi nghĩ đã đến lúc phải đặt đúng vị trí cao cấp cho những sản phẩm có yếu tố văn hóa truyền thống. Muốn như vậy, trước tiên nghề thủ công cần được bảo tồn nguyên vẹn. Tiếp đó, cần phải có thêm khâu sáng tạo, thiết kế trên nền nghề thủ công truyền thống, để nâng tầm thẩm mĩ, chất lượng cũng như công năng của sản phẩm. Và để có thị trường, cần những người làm kinh doanh dám đầu tư vào lĩnh vực khó khăn này như chúng tôi đang làm.

“Tôi luôn ấp ủ dự định đưa Duyên ra thị trường thế giới. Marketing như một thương hiệu riêng của Việt Nam, bán online trên các kênh thương mại điện tử, và dần tạo nên tên tuổi cho riêng mình. Chúng tôi sẽ kể với thế giới về vẻ đẹp của tinh hoa truyền thống Việt bằng một ngôn ngữ rất đương đại”.

Với một dự án startup trong lĩnh vực thời trang, yếu tố nào sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công?

Theo tôi có hai yếu tố bạn cần lưu ý. Thứ nhất là thương hiệu thời trang của bạn phải có cá tính riêng. Và điều thứ hai rất quan trọng mà không phải ai cũng hiểu: thời trang không chỉ là quần áo. Sản phẩm chỉ là một trong chuỗi các khâu của một quy trình kinh doanh thời trang.

Chị có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang muốn startup một công việc kinh doanh của riêng mình, nhất là nếu người đó là phụ nữ?

Tôi chỉ có một điều chia sẻ nho nhỏ như thế này. Sẽ có nhiều người khởi đầu bằng đam mê, nghĩ rằng được làm thứ mình thích là hạnh phúc. Nhưng khi bắt tay vào làm, bạn sẽ phải giải quyết một nghìn thứ đau đầu khác ngoài thứ bạn thích. Vậy thì đam mê cũng tốt, nhưng đừng coi đó là lý do duy nhất để mình khởi nghiệp. Nói cách khác, hãy yêu bằng lý trí.

Hãy phân tích tình yêu đó có tương lai không, ta có đi được đường dài với nó hay không, có khả năng đơm hoa kết trái hay không… Tất cả những điều này tuy không đảm bảo ta thành công, nhưng ít nhất sẽ giúp ta vững tin để bước đi.

Xin cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng VnEconomy. Chúc chị luôn may mắn, hạnh phúc và thành công!

Phương Thảo -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/founder-vu-phuong-thuy-ke-voi-the-gioi-ve-ve-dep-cua-tinh-hoa-truyen-thong-646899.htm