FPT Retail bước chân vào ngành điện máy, thách thức vị thế của Thế giới di động

FPT Retail chính thức bước chân vào lĩnh vực điện máy với việc khai trương 10 cửa hàng mới trên toàn quốc. Sự kiện này không chỉ làm tăng sức nóng trong cuộc đua giữa FPT Retail và Thế giới Di động, hai tên tuổi lớn vốn đã cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ và dược phẩm, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy thách thức và cơ hội cho cả hai bên trong bối cảnh thị trường điện máy đang bão hòa.

FPT Retail mở rộng sang ngành điện máy

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) đã chính thức khai trương 10 cửa hàng điện máy trên toàn quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng của công ty, với mỗi cửa hàng mới có diện tích hơn 200m². Bên cạnh đó, FPT Retail cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 30 thương hiệu điện máy lớn như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, Aqua, Sharp, Midea, và Hisense. Mục tiêu của công ty là tăng số lượng cửa hàng điện máy lên 50 điểm vào năm 2024.

FRT vừa khai trương 10 cửa hàng điện máy

FRT vừa khai trương 10 cửa hàng điện máy

Việc FPT Retail mở rộng sang lĩnh vực điện máy làm tăng sự cạnh tranh với Thế giới Di động (MWG). Cả hai công ty đã có sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ và dược phẩm. Tuy nhiên, thị trường điện thoại và máy tính đã bão hòa, làm cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và không còn đủ hấp dẫn.

Khi nền kinh tế gặp khó khăn và lạm phát gia tăng, MWG đã tung ra chiến lược "cuộc chiến giá rẻ" vào đầu năm 2023. Điều này làm gia tăng áp lực lên các đối thủ cạnh tranh, buộc họ phải hy sinh lợi nhuận để duy trì thị phần. Cả MWG và FPT Retail đều nhận ra cần phải tìm hướng đi mới để duy trì tăng trưởng, dẫn đến việc tái cấu trúc và thu hẹp chuỗi bán lẻ ICT.

Tính đến cuối tháng 6/2024, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) của MWG còn 1.046 cửa hàng, giảm 24 cửa hàng so với cuối tháng 5/2024 và giảm 134 cửa hàng so với cuối tháng 6/2023.

Tương tự, chuỗi FPT Shop của FPT Retail đã đóng 113 cửa hàng trong nửa đầu năm 2024, đưa tổng số cửa hàng xuống còn 642 vào cuối tháng 6/2024.

Trong lĩnh vực dược phẩm, MWG và FRT cũng là đối thủ khi MWG sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang, còn FRT phát triển chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu. Với sự đầu tư mạnh mẽ và tập trung, FPT Long Châu đã nhanh chóng vượt xa An Khang. Thế giới Di động không cố chấp trong cuộc đua này mà chuyển hướng dồn lực cho chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, vốn được MWG phát triển từ năm 2017 nhưng chỉ gần đây mới thực sự được coi trọng.

Cạnh tranh ngành điện máy

Ngành điện máy tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa, với sự cạnh tranh từ các hệ thống lớn như Media Mart, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, HC và Nguyễn Kim.

MWG hiện có 2.093 cửa hàng Điện máy Xanh, nhưng đã thu hẹp quy mô với việc giảm 196 cửa hàng so với một năm trước.

Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các sản phẩm ICT/CE như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, và ti vi đang bước vào giai đoạn bão hòa với tỷ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ. Tỷ lệ thâm nhập ICT/CE tại Việt Nam gần đạt mức trần, chỉ có thể tăng trưởng một con số nhờ vào xu hướng cao cấp hóa và chu kỳ thay thế trong trung hạn.

Thói quen tiêu dùng chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang trực tuyến đã gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE. Mặc dù MWG và FPT Retail đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào bán hàng trực tuyến, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử mà không “đốt” một khoản tiền khổng lồ để xây dựng lợi thế quy mô.

FPT Retail đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu hợp nhất gần 18.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu online đạt 3.213 tỷ đồng, tăng 17%. Lợi nhuận sau thuế cũng cải thiện đáng kể từ mức lỗ hơn 212 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái lên mức dương 109 tỷ đồng.

Công ty lý giải rằng kết quả này đạt được nhờ tái cấu trúc hệ thống FPT Shop, mở rộng chuỗi FPT Long Châu và giảm chi phí tài chính khoảng 55% do tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt ngay từ đầu năm.

Trong khi đó, MWG ghi nhận doanh thu thuần 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.075 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với cùng kỳ năm trước

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/fpt-retail-buoc-chan-vao-nganh-dien-may-thach-thuc-vi-the-cua-the-gioi-di-dong-125050.html