Françoise Sagan - Văn chương sầu não của nước Pháp
Sagan cả đời viết văn để biết bên trong mình có gì và muốn gì. Dường như tất cả chỉ như nụ cười của nàng Mona Lisa, một thoáng hiện hữu để rồi mãi mãi chỉ là bí ẩn
Độc giả Việt Nam từng biết đến một nữ nhà văn Pháp với phong cách văn chương sầu não khi tác phẩm "Buồn ơi chào mi" của bà sáng tác năm 1954 được xuất bản tại Việt Nam. Sau tiểu thuyết "Buồn ơi chào mi", độc giả Việt Nam lại có dịp biết thêm một tác phẩm sau đó của bà "Một nụ cười nào đó", sáng tác năm 1995 (ấn hành năm 2019), như lời giã biệt ngây thơ từ nàng thơ sầu não của văn chương Pháp.
Nỗi cô đơn diệu vợi
Nhân vật chính trong "Một nụ cười nào đó" cũng giống như "Buồn ơi chào mi" là một thiếu nữ cô đơn, nàng thiếu nữ này tuy có lớn tuổi hơn nhưng nỗi cô đơn cũng vì thế mà càng diệu vợi. Cô sinh viên trường luật vướng vào mối tình tay tư với anh chàng bạn học và cậu ruột của anh - một người đàn ông có vợ. Ngay từ lúc bắt đầu đã báo hiệu những mối quan hệ tình cảm đang bện thành những gút thắt khó gỡ.
Người đàn ông "mắt xám, trông mệt mỏi, gần như u buồn" của "Một nụ cười nào đó" gợi nhắc ta đến người cha trong "Buồn ơi chào mi". Sự thiếu vắng cảm thông của cha mẹ đã thúc đẩy Sagan tạo ra hình ảnh những người đàn ông trung niên ấm áp, thấu hiểu và mang tư tưởng tự do. Ở bên họ, nhân vật nữ chỉ là những đứa trẻ con ngây thơ, bước một chân vào thế giới người lớn, những bước đi đầy dửng dưng như thể tác giả lúc nào cũng đứng ở ngoại giới và quan sát.
"Một nụ cười nào đó" tiếp nối "Buồn ơi chào mi" là một bài thơ ghi lại cuộc hội ngộ giữa một thiếu nữ với nỗi buồn, dù nỗi buồn ở đây không có chân dung mà mơ hồ như một làn sương không thấy được nhưng nó tồn tại, lững lờ và từ từ xâm chiếm một đạo linh hồn vừa mới chạm tay vào cuộc đời là lập tức chạm ngay phải nỗi buồn.
Truyện của bà trở thành sách gối đầu giường cho nhiều nam thanh nữ tú, ở Việt Nam, từ trước năm 1975, cái tên Sagan đã trở nên quen thuộc, riêng "Buồn ơi chào mi" đã có tới 5-6 bản dịch, chính bởi trong tác phẩm này bà đã tạo ra một trạng thái mơ hồ khó nắm bắt mà mỗi người tự mình có cảm nhận riêng. "Một nụ cười nào đó" do Thanh Thư chuyển ngữ cũng không phải bản dịch đầu tiên.
Tư tưởng tự do bằng lối sống "mở"
Với "Một nụ cười nào đó", Sagan góp thêm vào định nghĩa tự do bằng lối sống "mở", dường như trong cuộc sống này không có gì là trường cửu, chỉ có những khoảnh khắc và cứ vui vẻ với những khoảnh khắc. Những mối quan hệ tình cảm lỏng lẻo, dù tình yêu có mãnh liệt, giày vò và bản thân họ biết là trái đạo đức. Nhưng một mặt họ vẫn sống bình thường với những mối quan hệ đó, càng nhấn mạnh thêm vào cái trạng thái phi lý nơi con người.
Françoise Sagan viết rất nhiều nhưng có thể nói bà chỉ viết một tiểu thuyết duy nhất: về đời bà. Dù nhân vật có là một cô bé, một thiếu nữ, một mệnh phụ phu nhân thì những nhân vật đó vẫn đi ra từ chính bà, chính cái lối sống bất cần, tận hiến vì đời sống là hữu hạn, thậm chí ngắn ngủi, nên tuyệt nhiên phải vui cho hết ngày, hết tháng. Văn chương của Sagan là thế, vội vã, xốc nổi nhưng không hề nông cạn. Nghệ thuật của Sagan là thứ nghệ thuật nước đôi, môi đã hé ra nhưng lời vẫn chưa nói, cảm xúc di chuyển trong một trạng thái hoài nghi, thiếu sự chắc chắn. Một cảm xúc vi tế, lướt qua, xoắn vào nhau như "một khúc andante của Mozart, luôn gợi đến bình minh, cái chết, một nụ cười nào đó".Nó có thể là tổng hòa của tất cả và cũng có thể không là gì cả, một hư vô tuyệt đối.
Nếu cái kết của "Buồn ơi chào mi", nữ chính nhận ra: "Một cái gì đó dâng lên trong lòng tôi và tôi đón chào nó bằng chính tên của nó, mắt nhắm lại: "Buồn ơi chào mi" thì ở đoạn kết của "Một nụ cười nào đó" chỉ còn cảm giác bị khuyết đi "một thứ gì trong tôi đã mất đi rồi". "Thứ gì" ấy người đọc không biết và tác giả cũng chừng như không biết, có lẽ Sagan cả đời viết văn để biết bên trong mình có gì và muốn gì. Dường như tất cả chỉ như nụ cười của nàng Mona Lisa, một thoáng hiện hữu để rồi mãi mãi chỉ là bí ẩn.
Trưởng thành trong môi trường "người lớn"
"Tôi đã biết đến vinh quang khi 18 tuổi trong 188 trang giấy..." - Françoise Sagan (1935 - 2004) đã bước vào văn chương như thế, bằng "188 trang giấy" của cuốn tiểu thuyết "Buồn ơi chào mi" năm 1954. Thành công từ lúc còn trẻ không khỏi khiến Sagan choáng váng nhưng cũng là một động lực giúp bà vững tâm hơn trên còn đường văn chương. Đối với tiểu thuyết, đó là một sự bắt đầu sớm. Văn học Pháp có nhiều cuộc bắt đầu sớm như thế, như Rimbaud, như Radiguet, như Huguenin. Nhưng khác với họ, Sagan là một thiếu nữ và gắn với văn chương trong hành trình dài.
Cái gì khiến cho một thiếu nữ tuổi mười chín, đôi mươi hình dung được điều vừa đơn giản vừa trừu trượng đến như thế. Xã hội thời đó chìm đắm trong không khí chủ nghĩa hiện sinh, Françoise Sagan bước vào đời mang theo trên vai hai ông thánh của chủ nghĩa này: Sartre và Camus, cùng với những "bằng hữu" yêu mến mà cô đã bầu bạn thừ thuở còn trên ghế nhà trường: Shakespeare, Fitzgerald và đặc biệt là Proust. Cô bé Françoise đã từ bỏ cái họ Quoirez của gia đình để mang họ Sagan, một nhân vật trong kiệt tác "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust. Bởi cha của Françoise không muốn cái họ Quoirez "danh giá" nhà mình xuất hiện trên bìa một cuốn tiểu thuyết.
Sagan đã trưởng thành trong môi trường của những "người lớn" không thể hiểu thế nào là "hiện sinh", là "jazz". Thế giới của những "người lớn" đó đầy sự phù phiếm, đầy nghi ngoặc và buồn chán, được thể hiện rất rõ trong những tiểu thuyết của bà. Giữa môi trường như vậy, Françoise sớm trở thành cô bé nổi loạn, thường xuyên thi trượt, thậm chí bị đuổi học và tiếp đó là những năm tháng của tuổi trưởng thành chìm ngập trong một lối sống phóng túng, nhẵn mặt ở các sòng bạc, quán bar. Đó là vài nét tiểu sử của một trong những thần tượng của cả thế hệ trẻ một thời.