FTSE Russell tiếp tục để Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng và đánh giá có 'luồng năng lượng tươi mới'
FTSE Rusell tiếp tục xếp thị trường chứng khoán Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng Cận biên lên Mới nổi thứ cấp. Tổ chức này cho rằng, mặc dù tiến triển về các cải cách dự kiến còn chậm, tuy nhiên các cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thể hiện tái cam kết của mình đối với các công việc cần phải thực hiện. Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho thấy luồng năng lượng tươi mới trong việc tìm kiếm giải pháp có thể triển khai, để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Tổ chức FTSE Russell vừa công bố Danh sách phân hạng các thị trường cổ phiếu kỳ đánh giá tháng 9/2023. Theo đó, Việt Nam tiếp tục được FTSE duy trì trong danh sách chờ xem xét nâng hạng từ thị trường Mới nổi lên thị trường Cận biên.
Cụ thể, theo thông tin mới được công bố, danh sách chờ xét phân hạng tháng 9/2023 của FTSE như sau:
- Việt Nam: khả năng tái phân hạng từ thị trường Cận biên lên Mới nổi thứ cấp.
- Ai cập: khả năng tái phân hạng từ thị trường Mới nổi thứ cấp thành Không phân hạng.
- Pakistan: khả năng tái phân hạng từ thị trường Mới nổi thứ cấp thành thị trường Cận biên.
Trong lần công bố này, FTSE Russell cũng đã có đánh giá về tiến triển của các thị trường trong danh sách chờ xét hạng từ tháng 3/2023.
Trong buổi Tọa đàm với doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư tại Hoa Kỳ ngày 22/9/2023, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng và phát triển một thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhằm thu hút được các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tham gia.
Việt Nam cũng xác định, các thị trường, bao gồm cả thị trường chứng khoán được xây dựng đều phải hội nhập quốc tế, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các tổ chức hay các hoạt động chung của quốc tế. Hiện Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng thị trường chúng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Theo đó, Việt Nam được đưa vào danh sách chờ xét phân hạng vào tháng 9/2018 với khả năng được tái phân hạng lên thị trường Mới nổi. Sự tiến triển đã chậm hơn so với dự kiến, một phần là do đại dịch Covid-19. Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về “Chu kỳ thanh toán (DVP)”, hiện đang được đánh giá là “Còn hạn chế” (Restricted) do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch.
Như vậy, nghiễm nhiên là thị trường không có các giao dịch thất bại (failed trades), tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.
Ngoài ra, yêu cầu phải có những cải thiện đối với quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như đưa ra cơ chế có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài.
“Mặc dù tiến triển về các cải cách dự kiến còn chậm, tuy nhiên các cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thể hiện tái cam kết của mình đối với các công việc cần phải thực hiện. Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cho thấy luồng năng lượng tươi mới trong việc tìm kiếm giải pháp có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)” – FTSE Russell đánh giá.
FTSE Russell cũng cho biết, Tổ chức này tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác xây dựng với UBCKNN, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ernst & Young - các đối tác hỗ trợ chương trình cải cách thị trường, cũng như các cơ quan quản lý thị trường khác.
Tổ chức này cho biết, việc phân định cuối cùng về vai trò và trách nhiệm cần có trong mô hình thanh toán theo quy định của luật mới vẫn là một bước trọng yếu. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý của Việt Nam phải đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước cũng như khung thời gian cho việc triển khai.
“Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường Mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ trong kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3/2024” - Thông báo của FTSE Russell nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 29/8/2023, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam - hướng tới vị thế thị trường mới nổi”.
Tại Hội nghị này, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”.
Thông tin tới các nhà đầu tư tổ chức và đối tác, lãnh đạo UBCKNN cho biết, thời gian qua, UBCKNN đã chủ động, tích cực có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan, bộ ngành, tổ chức liên quan để trao đổi, xác định rõ các tiêu chí, các nhóm vấn đề vướng mắc cần giải quyết, đề xuất giải pháp để giải quyết từng nhóm vấn đề một cách toàn diện, dài hạn, hướng tới cải thiện đánh giá đối với thị trường chứng khoán mang tính bền vững.
UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi với các tổ chức xếp hạng thị trường (MSCI, FTSE Russell), các thành viên thị trường, các bộ ngành có liên quan, đồng thời tham vấn từ Ngân hàng Thế giới, kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề” – Lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.
Xem bảng Phân hạng thị trường cổ phiếu FTSE kỳ tháng 9/2023 tại đây./.