FWD Việt Nam giảm lỗ lũy kế về dưới 6.000 tỷ đồng

Dù nỗ lực tăng trưởng doanh thu và tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư tài chính nhưng sau nửa đầu năm 2024, FWD Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn với khoản lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng.

 Dù có lãi 290 tỷ đồng nửa đầu năm nay, FWD Việt Nam vẫn đang lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng. Ảnh: FWD Việt Nam.

Dù có lãi 290 tỷ đồng nửa đầu năm nay, FWD Việt Nam vẫn đang lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng. Ảnh: FWD Việt Nam.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2024, kết thúc tại ngày 30/6.

Theo đó, FWD Việt Nam cho biết công ty ghi nhận 1.960 tỷ đồng từ doanh thu thuần trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nửa đầu năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, mức thu này đã giảm 23%.

Các khoản thu khác gồm thu từ hoạt động tài chính mang về 424 tỷ đồng (+19%) gồm thu nhập từ lãi đầu tư trái phiếu, thu lãi tiền gửi, thu lãi kinh doanh chứng khoán, cổ tức và thu từ đánh giá lại khoản đầu tư.

Đáng chú ý, khoản thu khác của FWD Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 366 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm, công ty bảo hiểm nhân thọ này cũng ghi nhận khoản chi bồi thường 370 tỷ đồng (chiếm 19% doanh thu thuần).

Ngoài ra, các khoản chi như chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tiêu tốn của FWD Việt Nam hàng nghìn tỷ đồng.

Kết quả, sau nửa đầu năm, FWD Việt Nam thu về khoản lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù ghi nhận khoản lãi ròng hàng trăm tỷ đồng kể trên, con số này cũng chỉ như "muối bỏ bể" so với khoản lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán của FWD Việt Nam.

Tính đến ngày 30/6, FWD Việt Nam sở hữu tổng tài sản trị giá hơn 20.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm hơn 19.100 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư hiện có của FWD Việt Nam gồm trái phiếu Chính phủ đầu tư dài hạn hơn 800 tỷ đồng; trái phiếu doanh nghiệp dài hạn 1.740 tỷ đồng, đều không thay đổi so với đầu năm. Riêng đầu tư trái phiếu ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên mức 360 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm nhân thọ này còn đang nắm giữ nhiều trái phiếu của các công ty lớn như Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco; Công ty CP Tập đoàn Taseco. Danh mục cổ phiếu có MWG, VIC, IJC, MML, CTD, MBB, STB.

FWD Việt Nam là công ty con của Tập đoàn FWD, hoạt động chính trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn và sức khỏe, quản lý quỹ và hoạt động đầu tư.

Tập đoàn FWD là đơn vị kinh doanh bảo hiểm thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group (PCG). PCG hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông, và các hoạt động đầu tư khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, FWD đã lỗ liên tục trong 6 năm từ 2016 đến 2022. Đáng chú ý năm 2020, công ty này ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng, năm 2022 cũng lỗ thêm 1.684 tỷ đồng. Cuối năm 2022, FWD Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 6.900 tỷ đồng.

Năm ngoái đã chứng kiến sự thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh khi công ty này lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương, đạt 878 tỷ đồng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/fwd-viet-nam-giam-lo-luy-ke-ve-duoi-6000-ty-dong-post1493915.html