G20 tìm cách giải quyết khủng hoảng nợ toàn cầu

Nhiều nền kinh tế đã gặp khó khăn chồng chất sau đại dịch COVID-19 và tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine, những yếu tố đã gây ảnh hưởng đến tình hình nhiên liệu toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 17/7 đã khởi động những cuộc đàm phán về các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, cải cách ngân hàng đa phương và nguồn vốn để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.

Bộ trưởng Tài chính của nước chủ nhà Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự kéo dài hai ngày là đạt được đồng thuận trong các vấn đề "khó nhằn" có liên quan đến tình trạng nợ gia tăng.

Bà cho biết các cuộc đàm phán lần này sẽ tập trung vào những vấn đề cấp thiết trên toàn cầu như củng cố các ngân hàng phát triển đa phương và đưa ra hành động mang tính phối hợp về khí hậu,

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Thế giới đang chờ đợi G20 đạt được tiến triển trong các thách thức quan trọng như biến đổi khí hậu và các đại dịch”.

Bà Yellen cũng nhắc đến công tác giải quyết tình trạng căng thẳng về nợ ở các nước nghèo nhất thế giới. Bà lưu ý rằng thỏa thuận giãn nợ của Zambia "đã mất quá nhiều thời gian đàm phán", đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp xử lý nợ cho Ghana và Sri Lanka có thể được "hoàn tất nhanh chóng".

Theo bà Yellen, G20 “nên áp dụng các nguyên tắc chung đã được nhất trí trong trường hợp của Zambia cho các trường hợp khác”. Bà Yellen cũng cho biết hiện hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đang cận kề hoặc đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) và Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) và Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nền kinh tế đã gặp khó khăn chồng chất sau “cú đánh kép” từ đại dịch COVID-19 và tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine, những yếu tố đã gây ảnh hưởng đến tình hình nhiên liệu toàn cầu và giá cả hàng hóa. Trung Quốc là chủ nợ lớn đối với nhiều nước trong số này, nhưng một quan chức hàng đầu của Ấn Độ cho biết chưa có phản ứng đáng khích lệ từ Trung Quốc trong lập trường chung về nợ.

G20 cũng sẽ thảo luận việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, những quy định về tiền số, và việc tiếp cận nguồn vốn để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu dễ dàng hơn.

Ngoài ra, hội nghị sẽ thảo luận về việc phân phối công bằng hơn nguồn thu thuế từ các công ty đa quốc gia. Hiện các công ty đa quốc gia, đặc biệt là những công ty công nghệ, có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp mặc dù chỉ hoạt động phần nhỏ tại những nước này.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 nhóm họp tại thành phố Gandhinagar, bang Gujarat của Ấn Độ, từ ngày 17-18/7 để thảo luận các nội dung theo Khuôn khổ chung - sáng kiến G20 đưa ra năm 2020 nhằm giúp giãn nợ cho các nước nghèo./.

Khánh Ly (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/g20-tim-cach-giai-quyet-khung-hoang-no-toan-cau/299642.html