G20 tuyên bố bơm 5.000 tỷ USD giải cứu kinh tế thế giới
Các nhà lãnh đạo thế giới cho biết họ sẽ bơm 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng không nói thêm chi tiết số tiền này đến từ đâu.
"Chiến đấu với đại dịch này đòi hỏi phản ứng toàn cầu minh bạch, mạnh mẽ, phối hợp, được tiến hành trên quy mô lớn và dựa trên cơ sở khoa học, tinh thần đoàn kết", USA Today dẫn tuyên bố từ các nhà lãnh đạo của G20, sau hội nghị phải tổ chức trực tuyến vì đại dịch.
Guardian nhận định tuyên bố chung này chung chung, không có gì tranh cãi và không có cam kết cụ thể như việc lùi hạn trả nợ cho một số nước thuộc nhóm nghèo nhất, theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đề nghị của IMF về việc tăng gấp đôi quỹ khẩn cấp cũng không được nhắc đến cụ thể trong tuyên bố chung.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ thảo luận về kết quả cuộc họp G20 tại một họp báo cuối ngày 26/3 (giờ địa phương) với các thành viên của nhóm ứng phó virus tại Nhà Trắng của ông.
Tổng thống Trump cho biết ông cũng sẽ tham dự hội nghị truyền tuyến với các thống đốc Mỹ vào cùng ngày.
Tuyên bố không nêu chi tiết tiền đến từ đâu, nhưng dường như đề cập đến các kế hoạch kích thích từ các chính phủ khác nhau. Nếu vậy, gói giải cứu này sẽ bao gồm gói cứu trợ hơn 2.000 tỷ USD của Mỹ.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ vào tối 25/3, và tiếp theo cần phải được thông qua ở Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Vẫn chưa rõ việc thông qua ở Hạ viện có tiến hành sớm được hay không khi nhiều Hạ nghị sĩ không ở Washington thời điểm này. Các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện cho biết họ cần xem xét toàn văn của dự luật, trước khi quyết định khi nào sẽ đưa ra bỏ phiếu, theo NBC News.
Nhưng nếu dự luật qua được Hạ viện, Tổng thống Trump “chắc chắn” sẽ ký thành luật, theo lời Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin
Khi được hỏi dự đoán gói cứu trợ khổng lồ này - bằng một nửa ngân sách liên bang hàng năm 4.000 tỷ USD - sẽ cứu được nền kinh tế trong bao lâu, ông Mnuchin nói “chúng tôi dự tính ba tháng. Hy vọng là chúng ta không cần (tiền cứu trợ) hết ba tháng”.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi lãnh đạo các nước G20 tăng gấp đôi quỹ khẩn cấp của nhóm để củng cố khả năng phản ứng với đại dịch Covid-19, thứ được cho là sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2020.
Trong một thông báo gửi tới lãnh đạo của tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết độ sâu của cuộc khủng hoảng và tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc ngăn chặn đại dịch và "mức độ quyết liệt và phối hợp của các chính sách tài chính và tiền tệ của chúng ta".