G7 cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vaccine Covid-19: 'Đừng để lời hứa chỉ là trên bàn giấy'

1 tỷ là số liều vaccine ngừa Covid-19 mà Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã cam kết dành cho các nước nghèo nhất khi nhóm họp trực tiếp lần đầu tiên sau hơn 1 năm rưỡi qua. Hy vọng lời hứa này sẽ sớm được hiện thực hóa.

Sự kiện được kỳ vọng mang lại công bằng trong việc phân bổ vaccine cho các nước nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ sau đại dịch.

Phục hồi sau đại dịch là một trong những nội dung bao trùm các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Anh và các quốc gia thành viên của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu đã cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 với các nước đang gặp khó khăn. Con số này bao gồm cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ 500 triệu liều và Thủ tướng Anh Boris Johnson là 100 triệu liều.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ. Ảnh: al Jazeera.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ. Ảnh: al Jazeera.

Theo Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson, G7 cũng sẽ công bố một gói các biện pháp nhằm giảm nguy cơ bùng phát một đại dịch khác. Chính phủ Anh cho biết, tuyên bố chung tại Hội nghị sẽ hướng tới mục tiêu 100 ngày phát triển vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh trong tương lai, cũng như tăng cường giám sát các bệnh mới. G7 cũng cam kết củng cố Tổ chức Y tế Thế giới với vai trò là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh, mục tiêu của những biện pháp này là đảm bảo thế giới sẽ không bao giờ rơi vào thế bị động trước các thảm họa: “Tất cả chúng ta đều đã và đang phải trải qua một đại dịch tồi tệ nhất. Cuộc họp ngày hôm nay thực sự là cần thiết. Bởi chúng ta phải đảm bảo rằng có thể rút ra được những bài học từ đại dịch, phải đảm bảo rằng sẽ không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong 18 tháng qua, cũng đảm bảo nền kinh tế của mình phục hồi. Tôi nghĩ rằng chúng ta có đủ lý do để lạc quan về một sự phục hồi rất mạnh mẽ”.

Trên thực tế, từ vài tuần qua, các nước giàu đã gia tăng cam kết chia sẻ vaccine trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Tại Mỹ, gần 64% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và tỷ lệ này là 30% tại 53 lãnh thổ của khu vực châu Âu theo tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, 6 tháng kể từ khi vaccine lần đầu tiên được đưa vào sử dụng, thì đây vẫn là một đặc quyền của các nước giàu khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Dù sớm hay muộn tất cả mọi người đều phải được tiêm chủng ngừa Covid-19. Điều này vì lợi ích của toàn thế giới. Tuy nhiên thực tế hiện nay là việc tiêm chủng đang diễn ra rất bất bình đẳng và rất không công bằng. Chúng ta phải hiểu rằng thế giới đang chiến đấu với một loại virus rất nguy hiểm và để đánh bại virus, chúng ta phải tăng cường vũ khí, mà một trong những vũ khí quan trọng đó là tiêm phòng”.

Mất cân bằng trong phân phối vaccine đang là điểm nghẽn trong chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến COVAX, chương trình vaccine do Liên Hợp Quốc bảo trợ từng đặt mục tiêu cấp 2 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021. Tuy nhiên, tính đến ngày 8/6, chưa đến 82 triệu liều đã được chuyển đến 129 quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở kinh phí, mà ở sản xuất và cung ứng. Đây cũng là lý do tại sao vấn đề tài trợ vaccine từ các nước giàu, vốn đã dự trữ và mua hầu hết các liều vaccine có sẵn, lại trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận quốc tế trong vài tuần qua, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G7. Các nước G7 đã cam kết sẽ cung cấp một tỷ liều vaccine chủ yếu thông qua COVAX. Tuy nhiên, chi tiết về các cam kết lại vẫn chưa rõ ràng và các nước nghèo lại hi vọng, đây sẽ không chỉ là “những lời hứa trên bàn giấy”./.

Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/g7-cam-ket-chia-se-1-ty-lieu-vaccine-covid-19-dung-de-loi-hua-chi-la-tren-ban-giay-865558.vov