G7 cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông
Ngày 23/9, các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông.
Sau cuộc họp bên lề Khóa họp lần thứ 79 của Đại hội đồng LHQ, G7 ra tuyên bố nêu rõ: "Các hành động và phản ứng hiện nay có thể khuếch đại vòng xoáy bạo lực nguy hiểm, kéo toàn bộ Trung Đông vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với hậu quả khôn lường".
Các ngoại trưởng G7 kêu gọi chấm dứt ngay chu kỳ bạo lực đang diễn ra trong khu vực đồng thời khẳng định không quốc gia nào được lợi từ sự leo thang tình hình hiện tại ở Trung Đông.
Do tình hình bất ổn sau các cuộc không kích của Israel tại Libăng, trong ngày 23/9, nhiều hãng hàng không đã thông báo tạm ngừng các chuyến bay đến Beirut.
Ủy ban Quản lý Hàng không dân dụng Jordan đã đình chỉ tất cả các chuyến bay của các hãng hàng không Jordan đến Beirut cho đến khi có thông báo mới, với lý do căng thẳng khu vực gia tăng và cần đảm bảo an toàn trong hàng không dân dụng. Hãng hàng không quốc gia Royal Jordanian Airlines cũng thông báo ngừng các chuyến bay tới Beirut trong 48 giờ.
Tương tự, hãng hàng không EgyptAir của Ai Cập cũng hủy các chuyến bay đến Beirut bắt đầu từ ngày 24/9. Trong khi đó, tập đoàn Lufthansa Group của Đức thông báo tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến Beirut cho tới ngày 26/10.
Ngày 23/9, Ngoại trưởng Hy Lạp Giorgos Gerapetritis cho rằng Israel không đối mặt với áp lực đủ lớn để chấm dứt xung đột ở Gaza và xung đột với phong trào Hezbollah tại Libăng là bước leo thang mà cộng đồng quốc tế khó giải quyết được. Trả lời phỏng vấn bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), Ngoại trưởng Gerapetritis nhận định "dường như không có áp lực hiệu quả nào đối với Israel".
Sự thật là hiện tại Tel Aviv đang liên tục có các hành động quân sự rất mạnh mẽ. Theo ông, điều quan trọng là các nước Ả-rập và các nước châu Âu cần theo đuổi các sáng kiến chung thay vì riêng rẽ, như vậy mới có thể gây sức ép đối với Israel.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng cho rằng thực tế cho thấy chưa thể ngăn chặn xung đột leo thang trong khu vực. Tình hình càng trở nên phức tạp để có thể giải quyết.
Xung đột không chỉ xảy ra giữa Phong trào Hamas với Israel tại Dải Gaza mà đã lan rộng thành xung đột giữa phong trào Hezbollah tại Libăng với Israel. Kể từ tháng 6 năm nay, Hy Lạp đã tìm cách thuyết phục các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia dự án tạm thời đưa trẻ em bị tổn thương và chấn thương do xung đột ở Gaza đến các nước EU.
Ngoại trưởng Gerapetritis cho biết các cuộc đàm phán liên quan vẫn đang diễn ra và ông hy vọng sẽ sớm có kết quả. Về phía Hy Lạp, ông cho biết nước này có thể tiếp nhận khoảng 500 trẻ em.
Trong thời gian qua, Hy Lạp cũng đã bày tỏ phản đối các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza, kêu gọi nước này dừng mọi cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào dải đất ven Địa Trung Hải mà cho đến nay đã khiến hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng.
Vào đầu năm 2024, Hy Lạp được bầu làm thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2025-2026. Hy Lạp tin rằng mối quan hệ lịch sử của nước này với thế giới Ả-rập và Israel mang lại cho Hy Lạp uy tín để có thể đóng vai trò như một quốc gia trung gian thúc đẩy hòa bình.
Cùng ngày, tham dự Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Tương lai, Thủ tướng Chính quyền Palestine Mohammad Mustafa nhấn mạnh: "Khi tôi phát biểu trước các bạn, người dân của chúng tôi tại Gaza đang phải chịu đựng một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử hiện đại".
Trong gần một năm qua kể từ ngày 7/10/2023, các hành động quân của Israel tại đây đã "gây ra mất mát, đau khổ và thảm họa nhân đạo chưa từng có". Tất cả những điều này đều vi phạm Hiến chương và luật pháp quốc tế, đe dọa tương lai của người dân Palestine. Do đó, ông Mustafa kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn hành động này của Israel, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ.
Trong khi đó, không quân Israel (IAF) đã thực hiện thêm nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu của phong trào Hezbollah tại Libăng trong đêm 23/9. Động thái này diễn ra cùng ngày sau khi Israel xác nhận đã nhắm trúng hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah ở Libăng trong vòng 24 giờ qua, khiến ít nhất 492 người thiệt mạng và ít nhất 1.645 người bị thương.
Theo tuyên bố ngày 24/9 của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), IAF đã tấn công thêm hàng chục mục tiêu của Hezbollah tại nhiều khu vực ở miền Nam Libăng. Ngoài ra, pháo binh IDF đã tấn công các mục tiêu khác ở khu vực Ayta ash-Shab và Ramyeh thuộc miền Nam Libăng.
Ngày 23/9, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi tuyên bố nước này đã phát động chiến dịch tấn công phủ đầu" có tên là Mũi tên phương Bắc, trong đó các lực lượng Israel tiến hành các cuộc không kích vào cơ sở quân sự của Hezbollah.
Mục tiêu được tuyên bố là tạo điều kiện an toàn để người dân địa phương trở về các khu vực biên giới phía Bắc của Israel, nơi họ đã được sơ tán do các cuộc pháo kích mà các đơn vị Hezbollah tiến hành kể từ ngày 8/10 năm ngoái.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)