G7, G10 hay G11?

Dù Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ít nhất phải 3 tháng nữa mới diễn ra nhưng thành phần tham dự hội nghị đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm, sau khi có thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn G7 mở rộng thêm thành viên.

Theo nguồn tin Reuters, ngày 2-6, ông chủ Nhà Trắng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison để thảo luận về ý tưởng mời nước này tham gia G7 mở rộng, hay G10. Tổng thống Donald Trump đã chủ động gọi điện cho Thủ tướng Morrison để tìm kiếm sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Australia với đề xuất thành lập nhóm G10, bao gồm các thành viên G7 cùng Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trao đổi trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, phía Australia sẽ chấp nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7.

 Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019.Ảnh: Getty Image.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019.Ảnh: Getty Image.

Ngoài Australia, Tổng thống Donald Trump cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga và Hàn Quốc. Điện Kremli cho biết, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, Tổng thống V.Putin và người đồng cấp Donald Trump đã thảo luận về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 và ý tưởng mời thêm một số lãnh đạo từ các nước: Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự.

Tuy nhiên, ngày 1-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định nước này phản đối việc Nga tham dự hội nghị G7 sắp tới. Thủ tướng Trudeau đã đề cập đến sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea cách đây vài năm và cho rằng, “việc Nga tiếp tục không tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế là lý do tại sao nước này vẫn ở ngoài G7 và sẽ tiếp tục ở ngoài nhóm này”. Thủ tướng Trudeau nêu rõ: “G7 lâu nay là nơi dành cho những cuộc đàm luận thẳng thắn giữa các nước đồng minh và bạn bè có nhiều điểm chung. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục được thấy một G7 như thế”.

Không riêng Thủ tướng Canada mà phía Anh cũng khẳng định sẽ phủ quyết kế hoạch này. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này không ủng hộ việc kết nạp Nga trở lại nhóm G7. Mặc dù vậy, quan chức này khẳng định nước chủ nhà hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định về khách mời tham gia hội nghị thượng đỉnh.

Trước đó, ngày 30-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố lùi thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, sang tháng 9 hoặc muộn hơn, đồng thời ngỏ ý mời Hàn Quốc, Nga, Australia cùng Ấn Độ tham gia vào cơ chế đối thoại này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng G7 hiện không đủ tính đại diện cho tình hình thế giới và đã rất lạc hậu. Ông đề xuất thành lập một nhóm rộng hơn, có thể đặt tên là G10 hoặc G11.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đề cập tới việc bổ sung tư cách thành viên của Nga vào nhóm G7. Tổng thống Donald Trump từng gây ồn ào trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Canada năm 2018 khi ông kêu gọi khôi phục tư cách thành viên của Moscow. Sau đó, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp năm 2019, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan điểm “sẽ phù hợp hơn nhiều” khi Nga là thành viên trong nhóm các cường quốc thế giới này, bởi rất nhiều điều nhóm thảo luận có liên quan đến Nga.

Nga từng tham gia các hội nghị thường niên của G7 từ năm 1997 tới năm 2014. Sau đó, do căng thẳng với phương Tây gia tăng vì Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea, Moscow đã bị loại khỏi Nhóm G8.

Những quyết định về tư cách thành viên phải nhận được sự đồng thuận của cả 7 thành viên nhóm, gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Một số chính phủ các nước G7 đã nhiều lần bác bỏ đề xuất của Tổng thống Donald Trump đưa Nga trở lại định dạng này.

Thực tế, ngoài tranh cãi về vấn đề thành viên, những năm trở lại đây, kết quả Hội nghị thượng đỉnh G7 luôn được giới phân tích đánh giá không mấy lạc quan. Điển hình là hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Italy bị đánh giá là “u ám” bởi những tranh cãi liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hội nghị năm 2018 tại Canada cũng bị giới phân tích coi như “thất bại” khi Tổng thống Donald Trump từ chối ký tuyên bố chung do những bất đồng liên quan đến việc Washington áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của Liên minh châu Âu (EU) và Canada xuất khẩu sang thị trường Mỹ. “Có những khác biệt về quan điểm không thể hòa giải” là những gì được nhắc tới về quan hệ giữa Mỹ và các thành viên G7 còn lại thời gian gần đây. Những tranh cãi xung quanh thành phần tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Mỹ chỉ cho thấy rõ ràng hơn những khác biệt này.

GIA HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/g7-g10-hay-g11-619751