G7 kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu với trí tuệ nhân tạo
Tại Hội nghị G7 mở rộng diễn ra ngày 20/5, các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy AI có trách nhiệm và đáng tin cậy.
Theo các lãnh đạo, nhiều quốc gia đang tích cực khai thác tiềm năng của các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới như ChatGPT, được cho là có thể mang lại lợi ích cao nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lạm dụng và gây ra quan ngại về quyền riêng tư. Do đó, các quốc gia cần ngay lập tức xem xét những cơ hội cũng như thách thức mà AI tạo sinh.
Mỗi quốc gia thành viên có thể có những cách tiếp cận khác nhau để đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về AI đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc quản trị nền kinh tế kỹ thuật số cần được tiếp tục cập nhật để phù hợp với các giá trị dân chủ chung.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Trí tuệ nhân tạo cần chính xác, đáng tin cậy, an toàn và không phân biệt đối xử bất chấp nguồn gốc của chúng ở đâu".
Theo Reuters, các quốc gia hiện có những phản ứng khác nhau về trí tuệ nhân tạo. Đơn cử như Mỹ, trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Joe Biden yêu cầu các công ty công nghệ phải có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi công bố. Đồng thời, ông Biden cho rằng, vẫn cần phải xem xét rằng liệu AI có nguy hiểm không.
Trong khi Nhật Bản lựa chọn đi theo hướng vừa ứng dụng AI vừa giám sát rủi ro của công nghệ này. "Điều quan trọng là phải giải quyết đúng đắn cả những tiềm năng và rủi ro", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với hội đồng AI của nước này tuần trước.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức diễn đàn cấp bộ trưởng có tên là "Hiroshima AI process" vào cuối năm nay để thảo luận về trí tuệ nhân tạo, xoay quanh các vấn đề như quản trị, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhân tạo, thông tin sai lệch và cách sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật số G7 diễn ra từ ngày 29/4 đến 30/4 tại thành phố Takasaki (Nhật Bản) đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến AI trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ này đã làm nổi bật tính cấp thiết của các tiêu chuẩn quốc tế đối với hoạt động quản lý.