G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga
Biện pháp này là sự tiếp nối chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng, Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác trong nhóm G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Biện pháp này là sự tiếp nối chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Giáo sư Khoa Tài chính và Ngân hàng của Học viện Kinh tế quốc dân và dịch vụ công Yuri Yudenkov cho rằng, việc một số nước phương Tây và châu Á từ chối vàng của Nga chỉ liên quan đến các khoản thanh toán quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu cung cấp cho Nga. Có nghĩa là, cho đến gần đây, Nga có thể thanh toán cho các sản phẩm nước ngoài ở bất kỳ định dạng nào bằng vàng của mình. Giờ đây, các quốc gia được đề cập sẽ không chấp nhận thanh toán vàng từ Nga.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, Nga không chỉ có vàng của mình. Ngân hàng Trung ương có vàng thỏi của Mỹ, Nhật Bản, Anh và nhiều loại khác. Giải pháp từ tình huống này là sử dụng vàng có nguồn gốc nước ngoài trong các thanh toán với các quốc gia đã từ bỏ kim loại của Nga, thanh toán qua trung gian.
GS Yudenkov nhấn mạnh rằng, “Việc này không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế. Có rất nhiều lựa chọn thay thế và giải pháp thay thế để thanh toán cho hàng nhập khẩu. Mục đích của lệnh cấm là để thu hút sự chú ý. Ngoài ra, những người Nga bình thường sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp này”.
Nhà khoa học chính trị, nhà hoạt động xã hội Sergei Markov nói rằng, lệnh cấm đối với vàng từ Nga đã được áp dụng từ lâu trên các sàn giao dịch chứng khoán. Nga không thể niêm yết kim loại của mình trên các thị trường chứng khoán New York, Tokyo và London. Nhưng Nga đã sẵn sàng cho những biện pháp này. .
Đối với việc thanh toán hàng hóa từ EU hoặc các nước phương Đông, Moscow đã tích lũy được nhiều ngoại tệ đến mức có thể sử dụng nó để thanh toán cho bất kỳ loại dịch vụ có sẵn nào và bằng bất kỳ khoản tiền nào. Do đó, biện pháp cấm mới sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga và người dân Nga .
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cho biết, vàng là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga sau năng lượng về thu nhập, với phần lớn trong số đó được đưa đến các nước G7, đạt 19 tỷ USD/năm.
Còn theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai, cung cấp khoảng 10% lượng vàng toàn cầu.
Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 26/6 tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, với điều kiện biện pháp này không phản tác dụng. Phát biểu họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ông Michel nêu rõ: "Về vấn đề vàng, chúng tôi đã sẵn sàng đi vào chi tiết hơn và xem liệu có thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng theo cách có thể tác động đến nền kinh tế Nga, mà không gây ảnh hưởng tới chúng tôi. Đây là mục đích chung của chúng tôi, mục tiêu chung của chúng tôi. "
Ông Michel cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu vàng sẽ lấy đi của Nga nguồn thu cần thiết để nước này trang trải cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine./.