G7 thống nhất sẽ quản trị toàn cầu với trí tuệ nhân tạo
Khối G7 sẽ lập ra các khuôn khổ và tiêu chuẩn kỹ thuật khung để giám sát khả năng hoạt động của trí tuệ nhân tạo.
Các Bộ trưởng về Kỹ thuật số và công nghệ của 7 nước trong nhóm G7 đã có cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Nhật Bản để thảo luận về cách kiểm soát ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hiện chưa có bất cứ khung pháp lý hay hàng rào kỹ thuật nào để kiểm soát.
Theo một tuyên bố chung của nhóm 7 Bộ trưởng, họ yêu cầu khả năng tương tác với nhau giữa các quốc gia đang sở hữu ngành công nghệ mới này, đề nghị sự đối thoại quốc tế về quản trị AI và khung kỹ thuật, khung quy định chung.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận quốc tế về quản trị AI và khả năng tương tác giữa các khuôn khổ quản trị AI. Đồng thời chúng tôi nhận ra rằng các phương pháp tiếp cận và công cụ chính sách có cùng chí hướng sẽ đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về AI đáng tin cậy giữa các thành viên G7" - tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh nhóm G7 ủng hộ việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế cho AI trở nên đáng tin cậy hơn. Các bộ trưởng chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng các chính sách để giảm thiểu tác động tiêu cực của AI đối với xã hội, bao gồm cả trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết thông tin sai lệch.
“Xét rằng các công nghệ AI tổng hợp đang ngày càng nổi bật ở các quốc gia và ở mọi lĩnh vực, chúng tôi nhận thấy cần phải nắm bắt cơ hội và thách thức của những công nghệ này trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự an toàn và tin cậy khi các công nghệ này phát triển" - tuyên bố chung nhấn mạnh.
Nhóm các Bộ trưởng cũng nhất nhất về 5 nguyên tắc củng cố quản trị AI, đó là pháp quyền, thủ tục tố tụng, dân chủ và tôn trọng nhân quyền đồng thời khai thác các cơ hội đổi mới.
Trí tuệ nhân tạo được phát triển vài năm gần đây gây nên mối lo ngại cho các nhà quản lý trên toàn cầu.
Các nhà lập pháp tại Mỹ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tiềm năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nhóm các nhà lập pháp ở cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ đã thống nhất một dự luật kêu gọi cấm sử dụng AI theo cách có thể dẫn đến việc nó phóng vũ khí hạt nhân. Nếu được ban hành, luật sẽ hệ thống hóa một chính sách hiện tại của Lầu Năm Góc yêu cầu con người phải “tham gia” vào bất kỳ quyết định phóng nào.
Mặc dù ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân do AI thúc đẩy có thể bị coi là khoa học viễn tưởng, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng đó không còn là một rủi ro xa vời nữa. Một cuộc thăm dò do Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm của Stanford công bố vào đầu tháng này cho thấy 36% các nhà nghiên cứu AI đồng ý rằng công nghệ này có thể gây ra “thảm họa cấp hạt nhân”.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tuần trước đã công bố việc thuê một cựu giám đốc điều hành của Google làm cố vấn AI đầu tiên của họ. Lầu Năm Góc đã yêu cầu Quốc hội tài trợ 1,8 tỷ đô la cho nghiên cứu AI trong năm tài chính tiếp theo.