Gà đồi chất lượng OCOP 3 sao ở Cẩm Xuyên
Hộ ông Trương Xuân Hà ở xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã khai thác tối đa điều kiện thuận lợi về tự nhiên để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi chất lượng OCOP 3 sao.
Video giới thiệu gà đồi Ngân Hà
Xã Cẩm Minh là địa phương có địa hình nhiều đồi núi, đất đai rộng, nguồn nước dồi dào, thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ những điều kiện đó, năm 2015, ông Trương Xuân Hà (SN 1973, ở thôn 5) đã bắt tay vào chăn nuôi gà, lấy thương hiệu là gà đồi Ngân Hà.
Trong thời gian đầu chuẩn bị, ông Hà đã cất công tìm hiểu, nuôi thử nhiều giống gà khác nhau. Qua thời gian thử nghiệm, ông quyết định lựa chọn giống gà ri vàng rơm (gà cỏ) để chăn nuôi. Đây là giống gà nội địa phổ biến tại Việt Nam, thịt chắc, ngọt, thơm ngon, được nhiều người ưa thích.
Ông Hà cũng đã liên kết với 17 hộ dân khác trong thôn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà, riêng gia đình ông có hơn 1.000m2 để chăn nuôi.
Ông Hà cho biết: “Để có sản phẩm chất lượng cao, gà được tôi lựa chọn kỹ càng từ giống bản địa. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi và các hộ chăn nuôi liên kết đều tuân thủ quy trình nuôi bán chăn thả và thực hiện nghiêm những quy định về chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch đầy đủ”.
Khác với gà được chăn nuôi tại các trang trại, gà đồi Ngân Hà được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đồi rộng lớn có bóng mát của cây cối; ăn các loại thức ăn tự nhiên như: cám gạo, ngô... Nhờ đó, gà đồi Ngân Hà có độ dai, thơm đặc trưng.
Tuy nhiên, thương hiệu gà đồi Ngân Hà thời gian đầu vẫn chưa được nhiều khách hàng biết đến, dẫn đến đầu ra bấp bênh. Quyết tâm để sản phẩm tâm huyết được quảng bá rộng rãi, tới gần hơn với người tiêu dùng ở những địa phương khác, đầu năm 2023, ông Hà đã mạnh dạn đầu tư máy móc, chuồng trại... để tham gia chương trình OCOP.
Ngoài ra, ông Hà cùng các thành viên tổ hợp tác đã tăng số lượng chăn nuôi lên khoảng 4.000 - 5.000 con/lứa. Để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Hà xây dựng lò mổ, mua sắm các thiết bị như: máy vặt lông, hút chân không, tủ bảo quản...
Ông Hà chia sẻ: “Hiện nay, thương hiệu gà đồi Ngân Hà đã có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận VietGAP... Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển sản phẩm, tạo cơ hội cho gà đồi Ngân Hà tiếp cận và mở rộng thị trường”.
Hiện, gà đồi Ngân Hà đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nhờ đó, thay vì chỉ được tiêu thụ tại địa phương thì nay sản phẩm đã được bày bán tại các cửa hàng OCOP, thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Mỗi tháng, cơ sở xuất bán khoảng 400 - 500 con. Gà sau khi được làm thịt, hút chân không có trọng lượng từ 1,3 đến 1,5kg với giá bán 220.000 đồng/kg.
Là hộ chăn nuôi liên kết với cơ sở của ông Trương Xuân Hà, bà Lê Thị Lan (thôn 5) cho biết: “Trước đây, tôi và nhiều hộ gia đình khác trong thôn chỉ nuôi mỗi lứa vài chục con gà để làm thực phẩm cho gia đình hoặc bán tại chợ địa phương, thế nên nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu.
Nhưng từ khi tham gia chăn nuôi gà liên kết cùng với ông Hà, chúng tôi yên tâm tăng đàn bởi được cơ sở bao tiêu sản phẩm. Nhìn thấy sản phẩm gà đồi Ngân Hà được tới tay người tiêu dùng gần xa, chúng tôi rất mừng”.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Trương Xuân Hà chia sẻ: “Để đảm bảo việc cung cấp gà sạch, an toàn tới người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, kết nạp thêm thành viên mới để nâng số lượng đàn gà. Thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gà nhằm giữ vững thương hiệu gà đồi Ngân Hà OCOP 3 sao. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, đưa sản phẩm tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở thực phẩm sạch... trong và ngoài tỉnh”.
Cẩm Minh là địa phương có lợi thế về chăn nuôi gà. Vì thế, việc sản phẩm gà đồi Ngân Hà đạt OCOP 3 sao không chỉ góp phần giúp địa phương nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mà còn mở ra tiềm năng phát triển chăn nuôi gà theo hướng bền vững ở trên địa bàn.
Ông Trần Văn Khiên
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/ga-doi-chat-luong-ocop-3-sao-o-cam-xuyen/256188.htm