Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) trở thành điểm du lịch

Tối ngày 8/7, UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận điểm du lịch Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm phát triển thêm các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điểm du lịch mới

Theo ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, Đồng Đăng - thị trấn giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, có tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đi qua ga Đồng Đăng sang Trung Quốc và từ đây cũng có thể sang các nước khác. Ga đường sắt Đồng Đăng có lịch sử lâu đời 111 năm, cũng vinh dự là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tháng 2 vừa qua.

Với ý nghĩa lịch sử, quy mô, tầm vóc của sự kiện chính trị quốc tế của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được cả thế giới quan tâm, theo dõi, Ga đường sắt Đồng Đăng được kỳ vọng sẽ là địa điểm thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu. UBND huyện Cao Lộc đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan hữu quan cùng với Ga quốc tế Đồng Đăng hoàn tất các hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận nơi đây là điểm du lịch của tỉnh.

Ngày 27/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 958/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng. “Sự kiện Ga quốc tế Đồng Đăng được công nhận là điểm du lịch góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử của Ga quốc tế Đồng Đăng, phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tạo ra một điểm đến du lịch trong tuyến du lịch biên giới cửa khẩu, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với địa bàn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung” - ông Nguyễn Duy Anh khẳng định.

Ông Nguyễn Duy Anh cho biết thêm, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc đã chỉ đạo, áp dụng các giải phù hợp với tình hình thực tế để thu hút khách đến với địa phương, đầu tư tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử - văn hóa; quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, tu sửa nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc phát biểu

Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc phát biểu

Trên địa bàn huyện Cao Lộc hiện có 24 điểm, khu di tích được xếp hạng. Trong đó có các di tích lịch sử như: Khu du kích Ba Sơn, Cột mốc số 0, Nhà bia Thủy môn đình, Pháo đài Đồng Đăng... các di tích kiến trúc nghệ thuật được nhiều du khách thập phương đến chiêm bái như (đền Cô, đền Quan, đền Mẫu Đồng Đăng; chùa Bắc Nga xã Gia Cát... Văn hóa phi vật thể của địa phương cũng rất phong phú, đặc biệt điệu múa sư tử mèo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát huy giá trị của điểm du lịch

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để phát huy giá trị của điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng và phát triển ngành du lịch của tỉnh trong thời gian tới, UBND huyện Cao Lộc cần chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng cao; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của khách.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của điểm du lịch; tăng cường mối liên kết, phối hợp phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực để thúc đẩy điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng và các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện. Chủ động xây dựng Đề án phát triển du lịch của huyện phù hợp với quy hoạch của đề án phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời, đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Chi nhánh Ga quốc tế Đồng Đăng tiếp tục đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu vực nhà ga, qua đó từng bước hoàn thiện để Ga quốc tế Đồng Đăng trở thành điểm đến ấn tượng của du khách khi đến thăm nơi đây.

Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch ở các cấp các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và trong cộng đồng dân cư; hoàn thiện đề án phát triển du lịch của tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch tạo điểm nhấn và mang tính đặc trưng riêng của mỗi địa phương trong tỉnh; đẩy mạnh quảng bá thu hút đầu tư để phát triển du lịch trên địa bàn; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch kết nối điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng với các điểm du lịch trên địa bàn để thu hút khách du lịch đến với xứ Lạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Ga Đồng Đăng bày tỏ, sự kiện Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng được công nhận là điểm du lịch đã mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế của huyện Cao Lộc. Đây là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch gắn kết với các điểm du lịch trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và sự phối hợp đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn, làm sao đưa điểm du lịch Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng vào khai thác hiệu quả.

Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ga-duong-sat-quoc-te-dong-dang-lang-son-tro-thanh-diem-du-lich-122148.html