Ga Hà Nội, chở niềm vui đoàn tụ

Không quá nổi bật bởi kiến trúc độc đáo hay uy nghi sừng sững bởi dáng vẻ đồ sộ, nhưng Ga Hà Nội lại là điểm gặp gỡ của những con tàu, nơi đoàn tụ của những người thân sau bao ngày xa cách. Đây còn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của những người con Hà Nội trong mỗi chuyến đi xa.

Ga Hà Nội trước thềm năm mới.

Ga Hà Nội trước thềm năm mới.

Ga Hà Nội trải hơn một thế kỷ qua vẫn đều đặn đón đưa không biết bao nhiêu chuyến tàu, bao nhiêu lượt hành khách như vậy. Sẽ không ai đếm đếm xuể những buồn vui của những người đi tàu mỗi ngày. Những đoàn tàu khi ấy, là nơi chứa đựng, nơi gửi gắm và mang theo biết bao nhiêu tâm trạng vui buồn của những người lên, người xuống và cả những người còn lại trên sân ga, dõi theo đoàn tàu đang chuyển bánh rồi khuất xa dần về phía cuối đường ray.

Những hạt mưa phùn lúc thời tiết giao mùa bay bay trong ánh đèn mờ ảo, tiếng bộp bộp chậm rãi trên mái vòm sân ga nghe có gì đó khác thường, như xát muối vào lòng người đợi chờ, như mang nỗi buồn thật khó tả… Nhà ga lúc này như một nốt trầm trong một bản nhạc sôi động trên con phố đông đúc của Hà Nội, nó mang cái màu xám xịt của những cuộc chia ly.

Những thanh tà vẹt, đường ray và cả những dãy hành lang ẩm ướt, đều mang vẻ lạnh lẽo, ảm đạm. Từng bước chân của hành khách từ giã người thân cũng trở nên nặng nề, dùng dằng như chẳng muốn rời xa.

Nếu tưởng tượng những giọt nước mắt chia ly còn được lưu giữ lại trong nhiều năm qua, có lẽ Ga Hà Nội đã trở thành “biển nước”. Nó không thể làm gì khác để ngăn những nỗi buồn, nhớ nhung của những người xa nhau, chỉ biết lặng lẽ chứng kiến rồi chở che những người ở lại.

Những cột đèn vẫn tỏa xuống sân ga một thứ ánh sáng màu đỏ đỏ, vàng vàng làm nổi lên những bóng người ngập ngừng bước về phía đoàn tàu đang sáng đèn giữa những đường ray lạnh lẽo. Sau nhiều ngày đợi chờ, nhà ga lại cũng sẽ là nơi chứng kiến những hân hoan của họ trong cuộc đoàn tụ.

Không ít người gắn những kỷ niệm tuổi thơ của mình với nhà ga, với đoàn tàu lăn bánh dọc theo những dãy nhà san sát nhau ở đường Lê Duẩn, phố Phùng Hưng hay Khâm Thiên…Mỗi khi, đoàn tàu ra đi hay trở về thành phố đều hú lên những hồi còi như chào mừng, như vẫy gọi. Nhiều người đứng nơi gác chắn, đợi tàu đi qua mà không tỏ ra sốt ruột hay phiền lòng, họ chăm chú dõi theo đoàn tàu, hết toa này đến toa khác, những ánh mắt cũng dài theo từng nhịp đều đặn của những vòng bánh xe.

Nơi đẹp nhất để ngắm tàu là phố Phùng Hưng, đoạn giao với đường Trần Phú. Nhịp sống của người dân ở dọc theo đường tàu không sôi động như ở những đường phố khác, mà chậm rãi, đều đều như cái cách những con tàu trở về thành phố. Vẻ trầm mặc ấy cũng khiến nhiều du khách chọn đây làm nơi thư giãn, ngắm tàu và chụp ảnh kỷ niệm mỗi lần đến thăm Hà Nội. Nhiều quán cà phê đường tàu vì thế mà cứ thế đua nhau mọc lên san sát. Không gian nhỏ hẹp của hành lang an toàn đường sắt được trưng dụng làm chỗ ngồi cho khách. Cũng vì sự mất an toàn đó, Thành phố đã phải vận động người dân dẹp bỏ những quán cà phê đường tàu, để giữ lại bình yên cho những con phố, giữ an toàn cho người dân và cả những chuyến tàu qua lại.

Xuân về trên Ga Hà Nội.

Xuân về trên Ga Hà Nội.

“Còn 10 phút nữa đoàn tàu SE5 sẽ chuyển bánh, xin mời hành khách có vé đi tàu SE5 chuẩn bị lên tàu ở đường sắt số 3…”. Tiếng loa phát thanh đều đặn vẫn vang lên ở nhà chờ của Ga Hà Nội trong lúc đồng hồ chỉ 8 giờ 50 phút sáng.

Cũng tiếng loa ấy vẫn đều đặn và chậm rãi đến nhàm chán mỗi khi có đoàn tàu sắp đến hay sắp rời ga hàng ngày. Thế nhưng, trong những ngày giáp Tết, âm thanh ấy lại trở nên ngọt ngào, thân thương đến lạ. Ngay sau lượt thông báo đầu tiên vừa dứt, nhiều người còn ngồi ở nhà chờ đã vội vã, lục tục đeo bao lô, xách hành lý rảo bước về phía cửa soát vé ra tàu. Chuyến tàu xuất phát ngày 29 Tết, những người lên chuyến tàu này sẽ có mặt ở Ga Sài Gòn lúc 18 giờ 55 phút ngày 30 Tết, vừa kịp đón giao thừa.

Thế nhưng, không phải ai đi chuyến tàu này cũng đến Ga Sài Gòn, nhiều người trở về quê nhà ở miền Bắc hoặc miền Trung cũng chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển của mình, bởi tính an toàn và biết trước giờ khởi hành để chủ động trong mỗi chuyến đi. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, tiếng xình xịch, vù vù của đoàn tàu trên suốt hành trình còn đưa họ về với kỷ niệm của ngày xa xưa, một thời đã gắn bó với những chuyến tàu vào Nam ra Bắc.

Ngoài những hành lý thông thường, trong ngày cuối năm, có người còn mang theo cành đào, bó hoa ly về quê đón Tết. Giống đào Nhật Tân vẫn được nhiều người mua về chơi Tết vì có màu đỏ thắm, màu đỏ tượng trưng cho những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Vài người lại xách theo chiếc giò lủng liểng bên cạnh vali đựng quần áo hay một vài hộp bánh đậu xanh, kẹo, mứt… tiếng người í ới gọi nhau, xen vào tiếng của loa phát thanh vẫn vọng ra đều đều cùng âm thanh của những bước chân vội vã trên nền gạch hoa nghe cộp cộp.

Mấy đứa bé lon ton chạy theo cha mẹ về phía sân ga, cũng giống như nhiều người, chúng háo hức vì sắp được về ăn Tết cùng ông bà, rồi họ hàng ở quê. Những âm thanh ấy hòa trộn vào nhau thành giai điệu của “bản nhạc” ngày giáp Tết, nghe có gì đó xốn xang, một cảm giác thật khó tả.

Chẳng đông đúc và ồn ào giống như cách đây mấy hôm, chuyến tàu trong vài ngày cuối cùng của năm vắng vẻ đến lạ, nhưng không vì thế mà trở nên buồn tẻ. Những tia nắng nhẹ của buổi sớm mai phản chiếu qua ánh mắt, nụ cười của hành khách và cả của nhân viên nhà ga bỗng trở nên lấp lánh, họ nghĩ đến những ngày Xuân đang tới, cây đào ở giữa sân Ga cũng đã chớm nở những bông hoa đầu tiên.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ga-ha-noi-cho-niem-vui-doan-tu-101918.html