Sáng 3/2 (13 tháng Giêng), lễ giỗ chính Vua Mai Hắc Đế tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được người dân thôn Mai Lâm (nơi đặt đền thờ vua) và chính quyền địa phương cung kính tổ chức.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được đặt tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Khoảng 200 cỗ gà được tạo hình, trang trí theo nhiều kiểu dáng khác nhau như gà cưỡi hạc, cưỡi rùa được bày cẩn thận trên mâm cúng.
Theo người dân địa phương, gà phục vụ làm cỗ “gà bay” phải được tuyển lựa kỹ càng, nuôi tại nhà trong vòng 2 năm.
Người chọn gà phải thật sự thông thạo để dự tính được gà sau khi tạo thế có đẹp hay không.
Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Gà luộc xong phải giữ được màu sắc sáng đẹp, mào đứng, thân thẳng mới đạt yêu cầu.
Ông Phạm Trọng Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết, sau 2 năm không thể tổ chức lễ giỗ Vua Mai Hắc Đế quy mô lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, chính quyền và người dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà đã thành kính chuẩn bị trước cả tháng cho việc tổ chức ngày kỵ thứ 1.300 của vị Vua này.
Những cỗ gà được người dân uốn nắn hết sức công phu, nghệ thuật.
Là nơi có nhiều dòng họ lớn, cỗ "gà bay" còn là nét đặc sắc trong mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy tại huyện Lộc Hà.
Thế gà bay ngậm hoa cúc...
Thế "gà bay" tự rồng, phượng rất nghệ thuật được tạo hình trên mâm cúng...
Trước đó một ngày, khoảng 6.000 người dân xã Mai Phụ cũng đã thức đêm gói, nấu 2.000 chiếc bánh chưng dâng lên Vua Mai Hắc Đế.
Người dân các thôn đội lễ, đến đền thờ Vua Mai Hắc Đế để cung tiến.
“Năm nay, chúng tôi tổ chức lễ giỗ Vua Mai Hắc Đế khá quy mô. Ngoài người dân địa phương, con cháu, dâu rể Mai Phụ từ khắp mọi miền đất nước cũng đổ về để hành lễ”, ông Hợp nói.
Bùi Thị Ngân