'Gã khổng lồ' bất động sản Evergrande sẽ đối mặt với dấu chấm hết?
Tập đoàn bất động sản China Evergrande tưởng như sẽ trường tồn với thời gian, nhưng đang đứng trước bờ vực phá sản và có thể đối mặt với dấu chấm hết. Tập đoàn này chuẩn bị phải nhận các thông báo trả nợ ngắn hạn với giá trị lên tới 37 tỷ USD mà họ được cho rằng không thể chi trả.
Không còn khả năng trả nợ
China Evergrande có trụ sở tại Thâm Quyến, từng tuyển dụng cả siêu sao điện ảnh Jackie Chan quảng cáo cho thương hiệu nước khoáng riêng của mình. Giá trị cổ phiếu của họ từng tăng tới 40 lần trong 4 năm; từng lãi hàng trăm tỷ nhân dân tệ từ việc vay ngân hàng để mở rộng các hoạt động kinh doanh. Có lúc số nợ của Evergrande lên tới 300 tỷ USD, song họ vẫn “bình chân như vại”.
Các khoản nợ đang tàn phá “gã khổng lồ” Evergrande - Ảnh: Scmp
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Họ sắp phải nhận các hóa đơn thanh toán những khoản nợ lớn và họ vẫn chưa biết làm cách nào để chi trả, do doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc đã tụt dốc thẳng đứng trong 2 năm qua bởi đại dịch Covid-19, cũng như các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kìm hãm sự phát triển của bất động sản.
Danh mục tài sản của Evergrande đang được định giá vào khoảng 144 tỷ nhân dân tệ (22,3 tỷ đô la Mỹ), gồm các căn hộ, nhà ở, không gian thương mại… cho đến các dịch vụ bán lẻ. Nhưng tập đoàn này đang phải đối mặt với hàng núi các khoản vay ngắn hạn, với tổng trị giá lên tới 240 tỷ nhân dân tệ mà họ sẽ phải chi trả cho đến cuối tháng 06/2022.
Evergrande cũng có 13,2 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 3 năm tới. Và đó chỉ là một phần trong tổng số 332 tỷ nhân dân tệ nợ dài hạn của họ.
Joyce Huang, một chuyên gia bất động sản ở Thâm Quyến, cho biết: “Tôi không thể tin rằng một công ty nợ nhiều và từ nhiều nơi như vậy. Tôi cũng không tin họ cũng có thể giao nhà đúng hạn trong tình hình này. Ngay cả khi có thể, nó cũng có thể kém chất lượng”.
Adrian Cheng, giám đốc tập đoàn bất động sản Fitch Ratings, phân tích: “Một trong những vấn đề chính khiến Evergrande gặp khó khăn là cấu trúc vốn của họ. So với các nhà phát triển bất động sản khác, Evergrande dựa quá nhiều vào các khoản vay ngắn hạn. Không chỉ vậy, họ còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tiền ứng trước từ các đại lý bán hàng. Khi đó, nếu tình trạng thanh khoản suy kiệt, bạn sẽ rơi vào tình huống rất khó khăn”.
Evergrande từng thuê ngôi sao điện ảnh Thành Long quảng cáo nước đóng chai - Ảnh: Scmp
Nhưng Evergrande sẽ không “chết”!?
Được thành lập tại Quảng Châu bởi Hui Ka-yan vào năm 1996, Evergrande đi đầu trong lĩnh vực bất động sản tư nhân ở Trung Quốc. Họ xây dựng các căn hộ cao tầng giá rẻ cho thị trường đại chúng. Công ty niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông vào năm 2009 và trở thành nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, tuyển dụng tới 163.000 nhân viên tính đến cuối tháng 6/2021.
Evergrande còn mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Chỉ với việc kinh doanh các mặt hàng “tiêu thụ nhanh” này đã giúp công ty thu về tới 2,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2016. Tuy nhiên, trong nỗ lực giảm bớt nợ nần, họ vừa phải bán 49% cổ phần trong mảng kinh doanh nước đóng chai, với giá 2 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài hoạt động kinh doanh bất động sản cốt lõi, Evergrande còn sở hữu một nhà sản xuất ô tô điện, hệ thống các công viên giải trí… rồi cả các nền tảng thương mai trực tuyến. Họ cũng sở hữu cả 50% cổ phần của Guangzhou Evergrande FC, CLB bóng đá lớn nhất Trung Quốc.
Song thực ra, các lĩnh vực kinh doanh vệ tinh chỉ chiếm 1% doanh thu của Evergrande vào năm 2020, tương đương khoảng 5 tỷ nhân dân tệ. Tập đoàn này tạo ra hơn 98% doanh thu từ việc bán bất động sản. Chỉ đến khi Evergrande giảm giá mạnh bất động sản để thúc đẩy doanh số bán hàng, đóng góp của các mảng kinh doanh phi bất động sản mới tăng lên khoảng 2% trong nửa đầu năm nay.
Bởi vậy, hy vọng lớn nhất của Evergrande trong việc ngăn chặn sự sụp đổ vẫn nằm ở bất động sản. Họ đã gấp rút thực hiện 65 dự án mới để bán trong nửa đầu năm 2021. Tính đến ngày 30/6, Evergrande có 1.236 dự án được rao bán, bao gồm các bất động sản đã hoàn thiện và căn hộ đang được xây dựng.
Tuy nhiên, Evergrande không còn là cỗ máy kiếm tiền, đã mất ánh hào quang, sau nhiều lần bị hạ cấp bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn. Điều này đã làm nản lòng người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Doanh số của Evergrande, vốn chủ yếu từ các hợp đồng đã ký trước đây, sụt giảm thê thảm trong những tháng qua. Đặc biệt, họ chỉ thu về hơn 38 tỷ nhân dân tệ trong tháng 8, doanh số tồi tệ nhất trong 5 năm qua của tập đoàn này.
Nhưng Evergrande có thể sẽ không “chết hẳn”. Hơn 90% hộ gia đình ở Trung Quốc đang sở hữu nhà của họ và hơn 20% gia đình có nhiều bất động sản hoặc các vật dụng khác của họ. Evergrande vẫn còn ý nghĩa lớn trong xã hội Trung Quốc.
Evergrande “không còn là một doanh nghiệp khả thi” như các chuyên gia đánh giá. Song họ cũng tin rằng, Evergrande đang tiến tới tái cơ cấu, với sự can thiệp của chính phủ. Khi đó, nó có thể không còn là một thành phần kinh tế tư nhân đơn thuần của nền kinh tế Trung Quốc.