'Gã khổng lồ công nghệ' Uber đã bắt tay với truyền thông như thế nào?

Theo Guardian, Uber đã tạo quan hệ với các hãng truyền thông có ảnh hưởng chính trị ở nhiều nước để vận động hành lang với chính phủ.

Hãng tin Guardian dẫn thông tin từ “Hồ sơ Uber” gồm 124.000 tài liệu rò rỉ với nội dung gồm các tin nhắn, email trao đổi giữa ban lãnh đạo cấp cao của Uber trong giai đoạn 2013-2017 cho thấy Uber đã tìm cách tạo dựng quan hệ với chủ sở hữu các công ty truyền thông lớn như Daily Mail của Anh, Les Echos của Pháp, La Repubblica và L’Espresso của Italia, Die Welt và Bild của Đức và Times of India của Ấn Độ.

"Bắt tay" với các ông "trùm" truyền thông từ Đức, Ấn Độ và Pháp...

Vào các năm 2015, 2016, Uber đạt thỏa thuận với ông Axel Springer, chủ sở hữu của Die Welt và Bild, trong đó công ty này bán số cổ phiếu trị giá 5 triệu USD cho ông Springer, đổi lại ông Springer sẽ hỗ trợ truyền thông cho công ty. Đến năm 2017, thỏa thuận này mới được công khai.

Uber cũng thông báo các thỏa thuận tương tự với Bennett, Coleman & Co, chủ sở hữu tập đoàn Times of India vào năm 2015.

Vào thời điểm các thỏa thuận này diễn ra, Uber đang gặp một số khó khăn tại Đức và Ấn Độ.

Ở Đức, Uber bị cáo buộc hoạt động khi chưa được cấp phép tại các thành phố lớn. Còn tại Ấn Độ, Uber bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động sau sự việc một lái xe của hãng cưỡng hiếp hành khách vào năm 2014.

Rò rỉ tài liệu mật gồm tin nhắn, email trao đổi giữa lãnh đạo Uber cho thấy Uber tạo dựng quan hệ với tư bản truyền thông để vận động hành lang chính phủ các nước. Ảnh - Guardian

Rò rỉ tài liệu mật gồm tin nhắn, email trao đổi giữa lãnh đạo Uber cho thấy Uber tạo dựng quan hệ với tư bản truyền thông để vận động hành lang chính phủ các nước. Ảnh - Guardian

Theo tài liệu rò rỉ, ban lãnh đạo Uber nhắm đến các "ông trùm" truyền thông có ảnh hưởng về chính trị để thông qua họ vận động hành lang chính phủ nhằm đạt được những chính sách có lợi cho Uber.

Tài liệu rò rỉ liên quan đến thỏa thuận giữa Uber và ông Axel Springer cho thấy vào tháng 12/2015, một giám đốc cấp cao của Uber gửi email cho giám đốc truyền thông Uber Rachel Whetstone với nội dung: “Với chúng ta, giá trị cốt lõi ở đây là sự ủng hộ và ảnh hưởng của họ (giám đốc các công ty truyền thông) tại Đức và Brussels (Bỉ). Họ khẳng định đã hỗ trợ một công ty công nghệ khác về chính sách tại Đức và sẽ gửi bằng chứng cho chúng ta”.

Đáp lại, bà Whetstone cho biết nếu có được sự hỗ trợ từ ông Springer thì sẽ rất có giá trị. Thực tế, Giám đốc điều hành Uber vào thời điểm đó là ông Travis Kalanick đã được trao cơ hội phát biểu tại hội thảo thường niên của các doanh nhân vào tháng 6/2016 do tạp chí Die Welt tổ chức.

Tại Pháp, khi Uber gặp khó khăn liên quan tới các quy định pháp luật vào đầu năm 2015, công ty đã tìm cách tạo dựng quan hệ với ông Bernard Arnault, chủ sở hữu tập đoàn chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ LVMH - công ty mẹ của tạp chí tài chính Les Echos.

Theo thông tin từ tài liệu mật, ông Mark MacGann, cựu Giám đốc pháp lý của Uber tại châu Âu đã trao đổi với một giám đốc cấp cao của Uber rằng “tôi đã kết nối để tổ chức cuộc gặp giữa ông Travis Kalanick và ông Bernard Arnault tại Paris vì chúng ta đang tìm cách gây dựng quan hệ với ông Arnault, mời làm nhà đầu tư chiến lược, tác động để ông ấy gây ảnh hưởng lên Chính phủ Pháp".

Sau đó, ông Arnault đã đầu tư 5 triệu USD vào Uber. Nhưng hiện nay, ông Arnault không phản hồi khi được hỏi về việc liệu ông có hỗ trợ Uber hay không.

Ông Travis Kalanick, đồng sáng lập Uber. Ảnh - Bloomberg

Ông Travis Kalanick, đồng sáng lập Uber. Ảnh - Bloomberg

Uber cũng xây dựng thỏa thuận với với tập đoàn Times of India đổi lại cơ hội củng cố quan hệ công chúng. Ông Rahul Joshi, Tổng biên tập báo Economic Times thuộc Times of India, đã mời ông Kalanick phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu do tạp chí tổ chức vào tháng 1/2015 và tiết lộ sẽ có nhiều nghị sĩ thuộc nội các của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt.

Tuy ông Kalanick nhận thấy việc tham dự hội nghị này không phù hợp lịch trình nhưng nhấn mạnh trong email gửi đồng nghiệp rằng vẫn sẽ đi vì mối quan hệ với Times of India rất quan trọng.

Uber đạt được thỏa thuận truyền thông với Times of India vào thời điểm công ty đang chịu áp lực tại Ấn Độ liên quan tới vụ việc lái xe của hãng cưỡng hiếp một nữ hành khách tại Delhi vào tháng 12/2014. Uber bị chỉ trích lỏng lẻo trong khâu kiểm tra lý lịch của nhân viên. Tuy nhiên, ngày tháng 1/2015, khi cam kết thắt chặt kiểm tra an ninh, Uber được khôi phục hoạt động tại Delhi.

Chủ tịch Times of India Sivakumar Sundaram phủ nhận việc công ty hỗ trợ Uber tiếp cận các chính trị gia hay tham gia thúc đẩy thay đổi quy định pháp luật theo hướng có lợi cho Uber. Theo ông Sundaram, việc hợp tác đầu tư giữa công ty và Uber hoàn toàn chỉ liên quan tới quảng cáo - marketing và không ảnh hưởng tới định hướng báo chí của Times of India.

.... đến Italia, Anh để vận động hành lang

Uber cũng thông qua ảnh hưởng của một trong những nhà đầu tư đầu tiên của công ty là ông Carlo De Benedetti để tiếp cận với Thủ tướng Italia vào thời điểm đó là ông Matteo Renzi khi nước này đang xem xét các quy định pháp luật ảnh hưởng tới thị trường taxi vào đầu năm 2016. Ở thời điểm đó, ông De Benedetti là chủ sở hữu tạp chí La Repubblica và tờ tin tức hàng tuần L’Espresso.

Ông De Benedetti đã mời Phó giám đốc pháp lý của Uber, ông David Plouffe - cựu giám đốc quản lý chiến dịch tranh cử của ông Obama, ông MacGann và giám đốc điều hành Uber tại Italia tới tham dự bữa tối tại nhà riêng ở Rome vào tháng 9/2015.

Theo nội dung email nội bộ của Uber bị rò rỉ, ông De Benedetti được nhắc đến là người hỗ trợ tích cực cho Uber, đã liên lạc bằng email và gửi tin nhắn với một bộ trưởng và đồng minh thân thiết của Thủ tướng Italia ông Matteo Renzi. Trong tin nhắn, ông De Benedetti hối thúc các chính trị gia nên ủng hộ Uber trong quá trình sửa đổi luật pháp.

Khi được hỏi về thông tin trên, ông De Benedetti xác nhận đã tổ chức tiệc tối mời ông Plouffe và các lãnh đạo cấp cao của Uber nhưng phủ nhận tham gia vận động hành lang cho công ty này.

Năm 2014, ban lãnh đạo Uber cũng thảo luận về việc ông Kalanick tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền thông tại Anh, trong đó có chủ sở hữu tập đoàn Daily Mail - Lord Rothermere.

Tháng 1/2015, ông Kalanick đã gặp chủ sở hữu Daily mail tại bữa tiệc do nhà tài phiệt truyền thông Đức Hubert Burda tổ chức ở Munich, Đức. Tại đây, ông Kalanick bày tỏ mong muốn ông Rothermere, với tư cách một nhà đầu tư của Uber, sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để hỗ trợ công ty tại Anh. Ông Rothermere, được cho là đã bán cổ phần tại Uber, từ chối đưa ra bình luận trước thông tin trên.

Hoàng Anh (Theo Guardian)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ga-khong-lo-cong-nghe-uber-da-bat-tay-voi-truyen-thong-nhu-the-nao-d559031.html