'Gà quyền' và chủ nghĩa ăn thịt
'Hãy để gà được sống là chính mình. Chấm dứt nuôi nhốt lồng', đó là những câu khẩu hiệu được một số bạn trẻ Việt Nam trưng ra, hưởng ứng chiến dịch 'Gà quyền' châu Á phản đối một thương hiệu gà rán nổi tiếng về việc sử dụng trứng gà công nghiệp nuôi nhốt.
Theo những người phản đối, gà cũng “có quyền được sống tự do, được là chính mình, được đảm bảo sức khỏe và không phải chịu áp bức bóc lột”. Tôi liên tưởng tới Okja (Siêu lợn)- bộ phim hành động phiêu lưu của Hàn Quốc và Mỹ sản xuất (2017) kịch bản và đạo diễn Bong Joon-ho, người giành 4 tượng vàng danh giá nhất với Parasite (Ký sinh trùng) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92 (2020).
Okja đưa người xem hồi hộp theo chân cô bé Mija trên hành trình giải cứu thoát khỏi lò mổ chú siêu lợn Okja được tạo ra bởi tập đoàn Mirando. Nuôi nấng và sinh sống cùng Okja suốt 10 năm từ bé đến lớn, nên đối với cô bé, Okja không khác gì một thành viên thân thiết trong gia đình. Phim có một cái kết buồn vui lẫn lộn.
Ở đây, câu chuyện vượt ra ngoài số phận Okja. Chủ nghĩa ăn thịt (carnism) là một khái niệm đối lập với Chủ nghĩa thuần chay (veganism). Carnism được xem là một hệ tư tưởng trong đó con người chỉ tiêu thụ một số loài động vật nhất định (bò, lợn, gà,…) còn một số loài động vật khác thì được coi trọng như là thành viên trong gia đình (chó, mèo,…). Theo nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Joy Melanie, chủ nghĩa ăn thịt là hệ thống tư tưởng mang tính thống trị được in trong tiềm thức của mỗi người từ khi sinh ra, vì thế nó trở thành một tư tưởng vô hình và có phần “hiển nhiên” đối với mọi người.
Nhiều người cho rằng ăn chay là một lựa chọn, nhưng họ lại bỏ qua sự thật rằng: ăn thịt cũng vẫn luôn là một sự lựa chọn! Những sự lựa chọn đó đều bắt nguồn từ niềm tin. Thứ niềm tin được thể hiện rộng rãi và mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, từ những quảng cáo đồ ăn cho đến những ngày lễ truyền thống lâu đời. Niềm tin ấy còn được củng cố bởi hệ thống truyền thông khổng lồ của ngành công nghiệp thực phẩm trị giá hàng tỷ đô la. Điều này nghiễm nhiên khiến số đông tin rằng mình là một người “yêu động vật” trong khi vẫn ăn thịt chúng hàng ngày.
“Để ngăn lợn không đi mất, những nông dân ở phía bắc New Guinea đã cắt bỏ một mẩu mũi của chúng…”, “ngay sau khi ra đời, con bê sẽ bị tách khỏi mẹ và nhốt trong cái chuồng chật hẹp. Nó không được cho đi lại để giữ độ mềm và ngon của miếng bít tết. Lần đầu con bê có cơ hội đi bộ hay chạm vào các con bê khác là trên đường tới lò mổ…”. Đó là vài đoạn trích từ cuốn Sapiens: A Brief History of Humankind (Lược sử loài người) nổi tiếng của Yuval Noah Harari về một số phương pháp thuần phục và chăn nuôi động vật để lấy thịt ở một số nơi trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Melanie, những người ăn thịt bảo vệ cho việc tiêu thụ thịt của mình bằng 3N: Normal (bình thường), Natural (tự nhiên) và Necessary (cần thiết). Họ nói ăn thịt là một điều thiết yếu của cuộc sống và là một lẽ thường tình trong tự nhiên.
Việc con người cảm thấy chăn nuôi và hành hạ động vật để lấy thịt là điều hiển nhiên có thể bắt nguồn từ sự phân chia đẳng cấp loài (speciesism)-lối suy nghĩ cho rằng con người đứng trên tất cả các loài động vật khác không phải con người. Chúng ta cảm thấy mình “thượng đẳng” hơn các giống loài khác vì ta có nhân vị tính và trí thông minh bậc nhất, còn chúng thì không. Điều này cũng xảy ra giữa chính loài người với nhau, như nạn nô lệ và phân biệt chủng tộc trong quá khứ mặc dù con người đều có cấu tạo cơ thể và trí tư duy giống nhau.
Ở trong phim, những chú siêu lợn không được mọi người coi là có cảm xúc, trí thông minh hay nhân vị tính, nhưng Mija lại không nghĩ như vậy. Cô cho rằng Okja cũng có tình cảm và tư duy giống như loài người, đặc biệt được thể hiện qua cảnh Okja sẵn sàng nhảy xuống vách núi để cứu sống Mija. Jerry Bentham - cha đẻ của chủ nghĩa vị lợi đã nói: “Câu hỏi không phải là liệu chúng (động vật) có thể suy luận hay nói chuyện được không, mà là liệu chúng có biết đau không? Tại sao luật pháp lại từ chối bảo vệ những loài vật yếu đuối?”.
Như đã nói ở trên, Okja có một đoạn kết buồn vui lẫn lộn. Mija được về nhà cùng với Okja nhưng đây không phải là kết quả của cuộc hành trình đấu tranh của cô mà chỉ đơn giản là một cuộc mua bán, phụ thuộc vào quyết định của Nacy Mirando. Còn hàng ngàn, hàng triệu chú siêu lợn khác không được may mắn như vậy mà vẫn phải lên bàn mổ mỗi ngày...
Rất cảm kích trước việc làm của các bạn trẻ với chiến dịch “gà quyền”. Đúng thật là gà cũng “có quyền được sống tự do, được là chính mình, được đảm bảo sức khỏe và không phải chịu áp bức bóc lột”. Nhưng rồi sau đó chúng sẽ là gì khác, ngoài những miếng gà rán?
Thật khó để có được một đáp án làm vừa lòng tất cả chúng ta. Nhưng sự thay đổi lựa chọn của bản thân là hoàn toàn có thể, với một hệ nhận thức và năng lượng mới về niềm tin và tình yêu.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ga-quyen-va-chu-nghia-an-thit-post1444977.tpo