'Gác' khỉ ở nơi đáng sống

Cho ăn là một trong những hành động mà con người đang làm 'hư' loài khỉ trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Khi cho ăn, uống, loài khỉ giờ đây thụ động, không chịu sống tự nhiên.

Tình nguyện viên cùng Kiểm lâm quận Sơn Trà tuyên truyền nhắc nhở người dân.

Tình nguyện viên cùng Kiểm lâm quận Sơn Trà tuyên truyền nhắc nhở người dân.

Biệt đội “gác” khỉ trên núi Sơn Trà

Trước tình trạng này, Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã ra quân cùng với lực lượng tình nguyện viên để “gác” khỉ, với mong muốn, người dân và du khách chấm dứt tình trạng cho khỉ ăn, trả lại tập tính tự kiếm ăn vốn có của loài khỉ.

Thời gian qua, gần trăm con khỉ trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) “tràn” ra đường ngồi dọc theo lan can chờ đợi du khách cho ăn. Khi các du khách dừng lại ven đường thì cả đàn khỉ này chạy lại để chờ khách du lịch cho ăn, hoặc xin ăn. Nhiều du khách vô tư cho khỉ ăn khiến chúng trở nên “tự nhiên” hơn với đời sống con người và thêm phần “ngỗ ngược” với mảnh đất du lịch này.

Để chấm dứt tình trạng này, BQL bán đảo Sơn Trà vừa triển khai việc tuyển tình nguyện cùng với nhân viên BQL ứng trực tại một số địa điểm ở núi Sơn Trà nhằm ngăn chặn tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn. Đây được xem là “biệt đội gác khỉ” trên núi Sơn Trà.

Những ngày cuối tháng 2, nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ với sự xuất hiện của những tình nguyện viên trong màu áo trắng xanh với những dòng thông điệp “Hãy dừng ngay hành động cho khỉ ăn”. Đây là những tình nguyện viên được BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tuyển chọn để giao nhiệm vụ tuyên truyền người dân, bảo vệ đàn khỉ trên bán đảo.

Một buổi chiều đầu tháng 3, chúng tôi men theo con đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) để tìm hiểu về “biệt đội gác khỉ” này. Trò chuyện với anh Lê Khả Thiên (1983, trú quận Sơn Trà), được anh cho biết, anh là chủ một cửa hàng buôn bán điện thoại di động trên địa bàn quận Sơn Trà. Trong một lần lên mạng, anh đã đọc thông tin tuyển tình nguyện để ứng trực tại một số địa điểm ở núi Sơn Trà nhằm ngăn chặn tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn bừa bãi.

Biết thông tin này, anh Thiên đã bàn với vợ đăng ký tham gia. Được gia đình ủng hộ, ngay sau đó anh sắp xếp công việc nhà và công việc kinh doanh của mình, anh bắt đầu được tập huấn và “nhận nhiệm vụ” ra đường lên bán đảo Sơn Trà nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn từ cuối tháng 2.

Anh Thiên chia sẻ, hằng ngày cứ thời điểm 16 giờ - 17 giờ hằng ngày, thì nhiều người dân, du khách và phụ huynh lại đưa con đến đây xem khỉ, mang theo thức ăn như bánh kẹo, trái cây để dụ bầy khỉ ra cho ăn để trêu ghẹo, chụp ảnh.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bỗng bị ngắt quãng vì anh Thiên nhìn thấy phía ngoài đường, một gia đình đưa theo 2 con nhỏ đang chỉ trỏ bầy khỉ gần đó, trên tay một em có mang theo bánh kẹo chuẩn bị cho khỉ ăn.

Anh Thiên liền đến nhẹ nhàng nhắc nhở mọi người không nên cho khỉ ăn, vì như vậy sẽ làm mất tập tính của nó, nhiều lúc khỉ không được cho ăn sẽ dẫn đến hung dữ và tấn công con người. Các phụ huynh sau khi nghe lời khuyên liền cất bánh kẹo.

Anh Thiên đang làm nhiệm vụ “gác” khỉ ở đường lên bán đảo Sơn Trà.

Anh Thiên đang làm nhiệm vụ “gác” khỉ ở đường lên bán đảo Sơn Trà.

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Chạy theo đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà, chúng tôi gặp những hình ảnh các tình nguyện viên với tuổi đời rất trẻ vẫn kiên nhẫn đứng giải thích, tuyên truyền cho những người dân và du khách hiểu về tác hại của việc cho khỉ ăn.

Bắt chuyện với em Trần Nguyễn Nam Tùng (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Duy Tân) chúng tôi được Tùng cho biết, tranh thủ giờ rảnh rỗi, khoảng 2 tuần gần đây, Tùng cùng với một số bạn bè trở thành tình nguyện viên ngăn chặn những hành động cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà.

“Bán đảo Sơn Trà cũng là một lá phổi xanh của thành phố, cùng với đó là hàng trăm loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Chỉ cần một hành động nhỏ của con người như cho khỉ ăn, rất có thể dẫn đến hệ lụy lớn. Đừng vì một bức ảnh, một chút niềm vui mà khiến những con khỉ rời bỏ núi rừng để trông chờ vào con người”, Tùng nhấn mạnh.

Nhiều tình nguyện viên hằng ngày bỏ ra vài tiếng đồng hồ để lên Sơn Trà hướng dẫn du khách đã bắt đầu chấm dứt hành động cho khỉ ăn của người dân.

Việc làm của anh Thiên và Tùng cùng nhiều tình nguyện viên khác ban đầu đã vấp phải phản ứng của một số người dân và du khách khi họ nghĩ việc anh Thiên và Tùng là việc làm vô bổ, thậm chí là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, bỏ sau lưng những câu nói không hay, anh Thiên và Tùng cùng các tình nguyện viên khác đã làm tốt công việc của mình, kiên nhẫn, giải thích và vận động người dân, góp phần bảo vệ được đàn khỉ trước tác động của con người.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phan Minh Hải – Phó BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi lực lượng tình nguyện viên ra quân làm nhiệm vụ, tình trạng người dân và du khách cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà đã có phần giảm so với trước rất nhiều.

Theo ông Hải, thông qua những tình nguyện viên này, BQL muốn truyền một thông điệp tới cộng đồng người dân và du khách cùng chung tay dừng ngay hành động cho khỉ ăn, tránh sự tác động của con người để loài khỉ giữ được tập tính vốn có của nó.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/gac-khi-o-noi-dang-song-PXEvEp8GR.html