Gác niềm riêng vì an toàn và hạnh phúc của nhân dân

Sau 3 năm tìm hiểu với bao lời hẹn ước nên duyên vợ chồng và hai bên gia đình đã chọn ngày lành, tháng tốt để đôi bạn trẻ Thanh Duy - Kiều My về ở chung một nhà. Thiệp mời của hai người cũng đã được gửi đến người thân và bạn bè, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trung úy Nguyễn Thanh Duy đã quyết định hoãn lại ngày cưới. Những ngày này, anh đang cùng đồng đội ngày đêm căng mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

Trung úy Nguyễn Thanh Duy đã hoãn cưới với cô giáo mầm non Nguyễn Kiều My để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Khoa

Trung úy Nguyễn Thanh Duy đã hoãn cưới với cô giáo mầm non Nguyễn Kiều My để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Khoa

Hoãn cưới đi chống dịch Covid-19

Cơn mưa đầu mùa nơi xứ biển đến nhanh và đi qua cũng nhanh cùng cơn gió. Hôm nay, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau có thêm Trung úy Nguyễn Thanh Duy, Trợ lý chính sách, Phòng Chính trị, BĐBP Cà Mau mới được tăng cường về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau. Kể từ khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định rõ tinh thần trách nhiệm của người lính nơi tuyến đầu chống dịch; các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, duy trì trực 100% quân số và tăng cường thêm hơn 30 tổ, chốt tuần tra, kiểm soát địa bàn 24/24 giờ.

Như thường lệ, đêm nay, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc hành quân dọc theo đê biển Tây từ cửa biển Sông Đốc đến cửa Đá Bạc, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Bên ngoài là rừng phòng hộ và biển, bên trong là ruộng lúa của dân trong vùng, thi thoảng mới có vài căn nhà nhỏ ven đê. Cơn mưa rào nặng hạt dù nhanh qua đi cũng đủ làm cán bộ, chiến sĩ tổ tuần tra ướt sũng quần áo vì không kịp mặc áo mưa.

Nép vội vào căn nhà nhỏ của dân ven đê, Trung úy Nguyễn Thanh Duy quơ ánh đèn pin ra phía rừng phòng hộ quan sát theo phản xạ của con nhà “nghiệp vụ”. Duy nói với tôi: “Nếu là ban ngày còn nhìn mây, nhìn trời nhận biết có mưa để tìm nơi tránh trú, ban đêm không có kinh nghiệm như tụi em thì không thể đoán được có mưa hay không, với lại đường vắng thế này thì phải chịu, tụi em vẫn mặc áo mưa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”.

Qua câu chuyện được biết, Duy quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng vào năm 2018, Duy được cấp trên điều động về Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, BĐBP Cà Mau công tác. Tại đây, chàng sĩ quan trẻ đã “phải lòng” cô giáo mầm non Nguyễn Kiều My trong một lần giao lưu văn nghệ. Thời điểm đó, Duy là Phó Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, My là Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Theo dự định ban đầu, vào ngày 13-5 vừa qua, hai bên gia đình tổ chức đám cưới tại quê hương của cô dâu Kiều My, ngụ ấp Dinh Củ, xã Tam Giang Tây. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ mà Duy đã bàn với Kiều My xin phép hai bên gia đình hoãn lại ngày cưới. Lúc đầu, cha mẹ hai bên có chút lo lắng, bởi thiệp mời đã gửi, cỗ cưới đã đặt, chỉ chờ đến ngày đã định là đám cưới diễn ra.

“Vì nhiệm vụ, em chỉ có thể gọi điện thông báo cho Kiều My và cha mẹ hai bên biết, dù gia đình khá bất ngờ nhưng ai cũng thông cảm. Trong những ngày qua, cha mẹ hai bên đã đi thông báo với họ hàng, bạn bè về việc tụi em hoãn tổ chức đám cưới vì dịch Covid-19 và mọi người đều chia sẻ, ủng hộ tụi em” - Duy bộc bạch.

Hiện nay, trên tuyến biên giới biển tỉnh Cà Mau, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh vẫn đang ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, không ít người quê miền Bắc, miền Trung mỗi năm chỉ 1 lần phép, nỗi nhớ nhà, người thân luôn hiện hữu, nhưng vì nhiệm vụ mà các anh sẵn sàng gác lại tất cả. Nhiệm vụ hàng đầu lúc này là tập trung bám nắm địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

Sự hy sinh lặng thầm

Được thấy, được nghe nhiều câu chuyện nhân văn của người lính nơi tuyến đầu biên giới mới thấy vô cùng cảm ơn những người vợ lính nơi hậu phương. Ví như Trung úy Võ Tiệp Khắc, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau, mỗi ngày, đứng ở cổng đơn vị, anh có thể nhìn qua bên kia sông và thấy mái nhà thân thương của mình, ở đó có người vợ trẻ mới cưới. Hơn 2 tháng nay, vợ chồng anh chưa gặp nhau. Chị Trần Cẩm Loan (vợ của Trung úy Khắc) là cô giáo tiểu học, hằng ngày đi dạy cũng muốn ghé thăm chồng, nhưng khi gần đến cổng đơn vị, chị lại dừng xe quay về.

Buổi chiều cuối tuần, gặp chị Loan đang đứng ở gần cổng Đồn Biên phòng Sông Đốc, tôi hỏi: Sao đến nơi rồi lại không vào thăm “bạn ấy”?

Loan cười e thẹn rồi đáp: Dạ! Ở đơn vị còn nhiều cán bộ có vợ con, gia đình, nhưng vì nhiệm vụ mà phải chấp nhận xa gia đình, người thân. Nếu em đến thăm chồng vô tình lại gợi thêm nỗi nhớ cho các anh em khác!

Trung úy Võ Tiệp Khắc phát tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân không tiếp tay chở người nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Ảnh: Lê Khoa

Trung úy Võ Tiệp Khắc phát tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân không tiếp tay chở người nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Ảnh: Lê Khoa

Còn Trung úy Khắc, trong hơn 2 tháng qua, anh cùng đồng đội ngày nào cũng đối mặt với các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới. Trong 4 vụ nhập cảnh trái phép qua biên giới mà đơn vị ngăn chặn gần đây, Khắc và đồng đội trực tiếp bắt giữ, đấu tranh lấy lời khai các đối tượng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Trung úy Võ Tiệp Khắc cho biết, tiếp xúc với người nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch ở nước ngoài, không tránh khỏi tâm lý lo lắng, căng thẳng. Nhiều đối tượng ngoan cố, khai báo vòng vo, anh em phải đấu tranh 7-8 giờ mới chịu khai nhận tội. Nhưng với trách nhiệm, bản lĩnh của người lính trên tuyến đầu, sự hỗ trợ của các trang thiết bị phòng dịch, chúng tôi đã tìm ra các phương thức đấu tranh, xử lý bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngăn ngừa mọi nguy cơ lây lan dịch bệnh vào đơn vị.

Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống; mỗi đơn vị, mỗi tổ, chốt công tác thực sự là "tấm khiên" vững chắc trên biên giới, tôi càng thấm thía hơn tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã thấm nhuần trong mỗi người lính. Với những người lính quân hàm xanh, hạnh phúc nhất lúc này là không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới, vào địa bàn; biên giới biển, đảo bình yên và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gac-niem-rieng-vi-an-toan-va-hanh-phuc-cua-nhan-dan-post441183.html